Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành Quyết định số 1245/QĐ – BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường cao tốc Việt Nam.
Theo đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam trực thuộc Bộ GTVT thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVTquản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng và khai thác hệ thống đường bộ cao tốc trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
Cục Đường cao tốc Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại TP. Hà Nội.
Cục Đường cao tốc Việt Nam có tên giao dịch bằng tiếng Anh là Viet Nam Expressway Authority (VNEA).
Sau khi được thành lập, Cục Đường cao tốc Việt Nam có 15 chức năng, nhiệm vụ. Cục Đường cao tốc Việt Nam được giao trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư, xây dựng, huy động nguồn lực và khai thác hệ thống đường bộ cao tốc.
Cùng với đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam xây dựng chiến lược, kế hoạch trung hạn, hàng năm, chương trình, đề án phát triển đường bộ cao tốc trong phạm vi cả nước; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật đường bộ cao tốc; thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư, nhiệm vụ của chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc theo phân công, phân cấp, ủy quyền; thực hiện nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, nhiệm vụ của cơ quan ký kết hợp đồng đối với các dự án đường bộ cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo phương thức PPP.
Cục Đường cao tốc Việt Nam còn có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đối với dự án đường bộ cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quyết định đầu tư, cơ quan ký kết hợp đồng khai thác, cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ GTVT đối với công trình kinh doanh, dịch vụ, khai thác đường bộ cao tốc và các dự án xã hội hóa của đường bộ cao tốc…
Cơ cấu tổ chức của Cục Đường cao tốc Việt Nam gồm Văn phòng; các phòng: Kế hoạch - Tài chính, Phòng Quản lý đầu tư xây dựng và khai thác, Phòng Pháp chế - Đấu thầu, Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế; Trung tâm Kỹ thuật và Điều hành giao thông đường bộ cao tốc.
Lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương chuyển đổi mô hình hoạt động đầy đủ, đúng quy định để Cục Đường bộ Việt Nam đi vào hoạt động từ ngày 1/10 tới đây, trên tinh thần khách quan để ổn định cơ cấu tổ chức, ổn định tư tưởng cho cán bộ, viên chức, công chức.
Trước đó, Bộ GTVT đã triển khai Nghị định 56 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.
Đến nay, chủ trương chuyển đổi Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam các điều kiện đối với Cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn tất, sẵn sàng vận hành từ ngày 1/10/2022.
Việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tách thành 2 Cục chuyên môn đang làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam lo lắng và quan tâm tới công việc sắp tới sẽ bị điều chuyển đi đâu?
Trao đổi với PV Dân Việt, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: "Việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục đường bộ và Cục Đường cao tốc, các công việc thuộc chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục sẽ được Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đường bộ như hiện nay".
Đối với Cục đường cao tốc, Thứ trưởng Thọ cho hay: "Cục Đường cao tốc là mô hình tập trung quản lý đường cao tốc, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là quản lý đầu tư xây dựng đường cao tốc".
"Cục Đường cao tốc là đơn vị xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng quản lý đường cao tốc", ông Thọ cho hay.