Dân Việt

TP.HCM: Hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 6

Mỹ Quỳnh 29/09/2022 16:30 GMT+7
Sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hướng nghiệp trong kế hoạch giáo dục tổng thể của trường, tối thiểu là 9 tiết/năm (theo chương trình chính khóa).

Ngày 29/9, Sở GDĐT TP.HCM ra văn bản hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp trong trường trung học.

Theo đó, đối với các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các trường phải đổi mới nội dung các chủ đề phù hợp với xã hội và tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay, như: nghề tương lai trong cách mạng 4.0, giao tiếp mạng xã hội, smartphone (điện thoại thông minh) trong đời sống xã hội, văn hóa giao thông, văn hóa gia đình...

TP.HCM: Hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 6 - Ảnh 1.

Sở GDĐT yêu cầu cơ sở giáo dục xây dựng các chương trình trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp. Ảnh: MQ

Nhà trường xây dựng kế hoạch hướng nghiệp trong kế hoạch giáo dục tổng thể của trường, tối thiểu là 9 tiết/năm (theo chương trình chính khóa). Tùy điều kiện của đơn vị, nhà trường tăng cường các hoạt động hướng nghiệp thông qua trải nghiệm, tránh tổ chức nhàm chán, không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về ngành nghề của học sinh.

Đối với cấp THCS, nhà trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế các nhóm ngành nghề tại các doanh nghiệp, cơ quan ít nhất 1 lần/năm.

Đối với cấp THPT, bên cạnh việc tổ chức đi tham quan thực tế, nhà trường phải xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, tối thiểu 1 lần/năm.

Sở GDĐT hướng dẫn, một số chương trình và địa điểm phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động trải nghiệm gồm: chương trình trải nghiệm tại Khu nông nghiệp công nghệ cao - huyện Củ Chi; công viên văn hóa Đầm Sen; chương trình trải nghiệm tại công viên phần mềm Quang Trung (STEM); khu sinh thái giáo dục Green Land Farm; trại thực nghiệm Trường đại học Nông lâm TPHCM.

Bên cạnh đó, các trường THPT phải tổ chức diễn đàn, tọa đàm, giao lưu truyền cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh tối thiểu 1 lần/năm học. Các trường THCS, THPT xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới... cho học sinh, với thời lượng tối thiểu 180 phút/khối/học kỳ.