17h ngày 30/9, thời gian xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ chính thức kết thúc. Tuy nhiên, nhiều trường đại học cho biết vẫn còn một tỷ lệ thí sinh chưa thực hiện xác nhận nhập học…
Áp lực, áy náy với gia đình vì học phí quá cao
Chia sẻ với PV Dân trí, Minh Như (quê huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị) tâm sự, em đặt nguyện vọng 1 vào một trường đại học lớn ở TP Huế và đã trúng tuyển với số điểm 25,5, theo khối C20 (tính cả điểm vùng). Hôm 16/9 vừa qua, nhà trường gọi điện thông báo trúng tuyển, nhắc nhở em làm các thủ tục nhập học, nhưng Minh Như đành ngậm ngùi từ chối.
Như cho biết, bố mẹ em chỉ làm nông nghiệp, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm học cấp 2, vì thấy nhà quá nghèo, Như từng nghĩ tốt nghiệp THPT xong sẽ đi kiếm một công việc ngay. Tới khi lên cấp 3, em lại có khát khao được vào đại học, mong được tấm bằng tốt, ra trường có cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, sau khi có kết quả trúng tuyển, bố mẹ nói rằng không đủ tiền cho em đi học đại học. "Nếu theo học, năm đầu tiên, em phải nộp 12,5 triệu đồng. Nhưng học phí sẽ tăng dần theo từng năm.
Bố mẹ nói rằng nếu cố được năm nay thì còn năm sau, năm tới nữa. Bố mẹ chỉ làm nông thôi, để mà lo cho em với mức học phí cao như vậy thì không lo nổi", Như kể.
Minh Như cũng chia sẻ, nhà trường đã tư vấn cho em về một số cơ hội học bổng dành cho sinh viên nghèo. Dù vậy, đầu năm nhất, tất cả tân sinh viên vẫn phải nộp trước 7,5 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình em cũng không kịp xoay sở.
Hiện tại, nữ sinh đã quyết định từ bỏ cơ hội nhập học lần này và xin đi làm thuê để kiếm tiền. Như cho biết, có thể sau khi dành dụm 1 năm, em sẽ thi lại đại học, thực hiện ước mơ của mình.
Giống với Minh Như, Trần Yến (TPHCM) tâm sự, gia đình em không khá giả về kinh tế. Ba mẹ phải chật vật bươn chải, đi làm rất nhiều để nuôi Yến cùng chị gái ăn học. Khi Yến tốt nghiệp THPT và ngỏ ý muốn học đại học, em thấy vấn đề kinh tế bắt đầu khó khăn hơn, dù ba mẹ không nói ra.
Theo nữ sinh, điều đầu tiên em tìm hiểu khi chọn trường đại học là học phí, thay vì điểm chuẩn hay chất lượng trường. Em đã chọn trường có mức học phí ổn nhất trong tất cả lựa chọn mới dám đăng ký. Bởi vậy, khi biết mình đậu đại học, Yến rất vui. Nhưng số học phí phải nộp khi nhập học nằm ngoài dự liệu của em.
"Ban đầu, em tìm hiểu thì chỉ thấy học phí tầm 20-22 triệu đồng/năm và em dự trù nếu có tăng thì cùng lắm lên đến 25 triệu. Em cũng đã nói với ba mẹ như thế và được đồng ý. Nhưng giờ thì học phí tăng gần 30 triệu/năm, điều đó làm em cảm thấy mình là gánh nặng.
Nhìn mức học phí và gương mặt ba mẹ khi nghe về số tiền phải nộp, thật sự em có suy nghĩ không muốn đi học nữa sau 12 năm cố gắng", Yến tâm sự.
Nữ sinh cho biết, em đang tính toán các phương án, có thể sẽ tạm theo học một học kỳ rồi bảo lưu kết quả để đi làm, cũng có thể vừa học vừa làm thêm để phụ ba mẹ lo toan học phí.
Hoài Linh (quê Bình Dương) thì chia sẻ: "Em thấy các trường tăng học phí cao như vậy sẽ khó khăn với chúng em. Vì xưa nay trường công học phí thấp, nên những bạn gia đình khó khăn cố gắng vào được trường công để đỡ gánh nặng cho gia đình.
Nhưng giờ học phí tăng cao, em cảm thấy áp lực tiền bạc và cũng cảm thấy áy náy với ba mẹ. Em có lẽ sẽ chọn học một nghề nào đó rồi kiếm việc làm, thay vì học đại học".
Một phương án nữa mà Linh đang cân nhắc, đó là đăng ký vào một trường cao đẳng nghề nghiệp để có thể rút ngắn thời gian học, giảm thiểu chi phí, đồng thời có thêm thời gian làm thêm, bớt gánh nặng cho gia đình.
Nhiều trường đại học tăng học phí mạnh trong năm học mới
Năm học 2022-2023, hàng loạt trường đại học từ công lập điều chỉnh học phí tăng so với các năm học trước theo Nghị định 81 (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo).
Đơn cử, mức học phí được Trường ĐH Luật TP.HCM áp dụng cho khóa 47 từ năm học 2022-2023 từng khiến nhiều người "ngỡ ngàng". Theo đó, mức học phí thấp nhất là hệ đại trà các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh với 151 triệu đồng cho toàn khóa 4 năm học. Mức cao nhất thuộc hệ chất lượng cao ngành Luật, giảng dạy bằng tiếng Anh, học phí lên đến 765,9 triệu đồng/khóa.
So với khóa sinh viên nhập học năm 2021, học phí áp dụng với khóa nhập học năm nay của Trường ĐH Luật TP.HCM ở các ngành đều tăng mạnh, trong đó ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) tăng cao nhất.
Theo thông báo của nhà trường, do là trường đại học công lập thực hiện hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn nên học phí của người học được trường xây dựng theo nguyên tắc từng bước tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Tại Trường ĐH Y Hà Nội, mức học phí mới, áp dụng cho bậc đại học và sau đại học trong năm 2022-2023 được công bố cũng tăng đáng kể so với năm học trước.
Cụ thể, các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng và Răng Hàm Mặt có mức học phí 2,45 triệu đồng một tháng. So với mức 1,43 triệu đồng được áp dụng năm học 2021-2022, học phí mới tăng 71%.
Các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng cũng tăng học phí từ 1,43 triệu đồng lên 1,85 triệu đồng mỗi tháng, tương đương tăng 29%.
Tại trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM, mức học phí theo nhóm ngành cho sinh viên đại học chính quy tập trung khóa 2022 khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học dao động từ 16 đến 24 triệu đồng đối với hệ chuẩn, 60 triệu đồng đối với hệ chất lượng cao.
Riêng các chương trình liên kết quốc tế sẽ có mức học phí dao động từ 45-82 triệu đồng/năm học. Trước khi theo cơ chế tự chủ, học phí bậc đại học chương trình chuẩn của trường trung bình khoảng 10 triệu đồng/năm học.
Với Trường ĐH Kinh tế TPHCM, sau 2 năm liên tiếp duy trì học phí 20,5 triệu đồng/năm, mới đây, trường cũng thông báo từ năm học 2022-2023 tăng học phí lên 31,25 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, nhằm chia sẻ khó khăn cùng người học, trường vẫn tiếp tục giữ ổn định mức học phí như cũ đối với học kỳ một của năm học 2022-2023.
Giải pháp nào để sinh viên nghèo có cơ hội học đại học?
Trước đó, trả lời PV Dân trí về vấn đề các trường tự chủ đại học, tăng học phí sẽ khiến những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khó tiếp cận giáo dục đại học, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường đáp ứng vấn đề công bằng này theo chính sách luôn có quỹ học bổng hỗ trợ cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn hoặc có năng lực đặc biệt.
"Ví dụ, năm 2021, nhà trường đã thành lập quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa dành cho các sinh viên nghèo vượt khó, thuộc diện hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Bên cạnh đó, hàng năm, chúng tôi luôn dành khoảng từ 5-8% học phí để làm các quỹ học bổng cho sinh viên. Điều này giúp đảm bảo ở mức độ nào đó sự công bằng trong giáo dục cho sinh viên của nhà trường", PGS Thắng chia sẻ.
Ông cũng khẳng định, câu chuyện "tăng học phí một cách rất nhanh chóng không phải là bài toán phát triển của nhà trường". Thay vào đó, nhà trường sẽ tăng học phí ở mức độ vừa phải để đảm bảo đầu tư cho giáo dục, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho việc học tập của sinh viên; nâng cao trách nhiệm của người học.
"Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có sự cam kết từ nay đến năm 2025, học phí tính chung cho cả trường sẽ không tăng quá 8-10%", PGS Thắng cho hay.
Đại diện một trường đại học khác tại Hà Nội thì nêu ý kiến, khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các trường đều đã có mức học phí được công bố trong đề án tuyển sinh. Như vậy, thí sinh đã biết mức học phí của từng trường nằm ở khoảng nào và nên cân nhắc để có lựa chọn phù hợp.
"Nhà trường thực hiện chính sách về học bổng, học phí theo quy định của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi vẫn có chế độ miễn giảm học phí đối với các đối tượng được ưu tiên.
Ngoài ra, với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi cũng có những quỹ học bổng từ các nguồn cựu sinh viên, hoặc doanh nghiệp đối tác của trường để giúp đỡ các em", vị đại diện nói.
Mới đây, một số trường đại học cũng cho biết sẽ tạm dừng kế hoạch tăng học phí năm học 2022-2023 để chia sẻ khó khăn với người học sau 2 năm dịch Covid-19.
(Họ tên nhân vật trong bài đã được thay đổi).
Theo Nghị định số 81 của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1,2 đến 3,5 triệu đồng/sinh viên/tháng (trong khi đó năm học 2021-2022, con số này là từ 980.000 đến 1,43 triệu đồng/sinh viên/tháng).
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Đầu tháng 7/2022, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có kiến nghị lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 1 năm đối với giáo dục đại học công lập. Theo đề xuất này, năm học 2022 - 2023, mức học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021 - 2022.
Tới ngày 12/9, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về học phí.
"Mặc dù học phí được quy định trong Nghị định 81 nhưng quan điểm của Chính phủ là cần có những điều chỉnh cho phù hợp với khó khăn sau 2 năm dịch bệnh Covid-19. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân, với xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn", Bộ trưởng cho hay.