Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của nhóm big 4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180,3 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.060,3 nghìn tỷ đồng.
Huy động vốn thị trường 1 đạt 5.618,2 nghìn tỷ đồng, trong khi đó dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5.151,4 nghìn tỷ đồng.
Tại báo cáo vừa gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo 4 NHTM nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.
Cụ thể, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ. Trong khi đó, VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án.
Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng.
BIDV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.
Hiện NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.
"Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này", báo cáo của NHNN nêu rõ.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối NHTM cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.
Đối với các NHTM cổ phần, NHNN cho hay cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 416,9 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.488,2 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt 5.513,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.686,6 nghìn tỷ đồng.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chỉ đạo các ngân hàng này khẩn trương hoàn thiện phương án cơ cấu lại, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với Hệ thống Qũy tín dụng nhân dân (QTDND), NHNN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các giải pháp nhằm tăng cường củng cố hệ thống QTDND.
Đến nay, về cơ bản hoạt động của hệ thống QTDND tương đối ổn định; các QTDND phát huy được vai trò trong công tác huy động vốn, cho vay, hỗ trợ cho các thành viên trên địa bàn phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao đời sống của người dân, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương, hạn chế tín dụng đen.
Trên cơ sở kết quả Hội nghị sơ kết Chỉ thị số 06/CT-TTg về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Hội nghị chuyên đề QTDND, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo sơ kết thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg.
Hiện NHNN đang xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đối với dự thảo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chỉ thị.