Bản được liên quan đến cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cương được TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên chiều 30/9. Theo tòa án, trong vụ Công ty VN Pharma buôn lậu thuốc giả, ông Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế đã nộp 1,8 tỷ đồng khắc phục hậu quả từ lúc điều tra và đến nay nộp thêm 500 triệu đồng.
Phía gia đình và luật sư của cựu Thứ trưởng cũng nộp cho cấp phúc thẩm 51 bằng khen, giấy khen, huân huy chương ông Cường được Bộ Y tế và các cơ quan Nhà nước trao tặng trong thời gian làm việc. Do vậy, tòa sửa án sơ thẩm, giảm cho ông Cường từ 4 xuống 3 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng kháng cáo xin giảm nhẹ, bị cáo Phạm Anh Kiệt, cựu Tổng giám đốc Công ty Dược Sài Gòn cũng được cấp phúc thẩm giảm 1 năm tù xuống còn 13 năm về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".
Tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hoặc hưởng án treo của 8 bị cáo còn lại trong vụ vì họ không đưa ra tình tiết mới so với phiên tòa sơ thẩm.
Số này gồm Nguyễn Thị Thu Thủy, cựu Phó phòng Quản lý giá thuốc Cục Quản lý Dược Bộ Y tế; Nguyễn Việt Hùng, cựu Phó cục trưởng Quản lý Dược Bộ Y tế; Phạm Hồng Châu, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc Cục Quản lý Dược; Ngô Anh Quốc, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty VN Pharma; Phan Cẩm Loan, Phó phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma; Lê Thị Vũ Phương, Kế toán trưởng Công ty VN Pharma; Phạm Quỳnh Trang, nhân viên Công ty Hàng hải Quốc tế H&C; Nguyễn Thị Quyết, nhân viên Công ty VN Pharma.
Tại tòa phúc thẩm, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường thừa nhận sai phạm, không kêu oan nhưng đề nghị HĐXX xem xét điều kiện khách quan khi vụ án xảy ra. Theo ông, khi cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thời "còn rất thiếu".
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp xin nhập khẩu thuốc nhiều nên ông Cường cho hay mình và cấp dưới tại Cục Quản lý Dược đều làm việc "trong hoàn cảnh quá tải".
Nội dung vụ án thể hiện, nhóm bị cáo liên quan Công ty VN Pharma đã lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của Cục Quản lý Dược và cơ quan hải quan để nhập khẩu hơn 800.000 hộp thuốc tổng trị giá hơn 1,2 triệu USD.
Số thuốc không hợp pháp này được nâng khống thành hơn 2,5 triệu USD, tương đương 54 tỷ đồng rồi bán ra ngoài. Có hơn 600.000 hộp "thuốc giả" sau đó được tiêu thụ tại các doanh nghiệp, bệnh viện… giúp các bị cáo thu lợi bất chính hơn 31 tỷ đồng.
Trong vụ, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị xác định khi phạm tội là Cục trưởng Quản lý dược, đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; thiếu giám sát dẫn đến việc có 6 trong 7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu, tiêu thụ.
Sau đó, dù nhiều lần nhận cảnh báo từ các cơ quan khác nhau nhưng ông Cường "không quyết liệt, không thu hồi khiến thuốc giả vẫn được lưu hành tại các bệnh viện, nhà thuốc", án sơ thẩm nêu.
Từ những nhận định trên, tòa sơ thẩm phạt Nguyễn Minh Hùng 18 năm tù về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh", cộng án cũ bằng 30 năm tù; cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường 4 năm tù; 12 bị cáo khác phải nhận từ 2 – 20 năm tù.
Theo nhận định của TAND TP.Hà Nội, đây là vụ án rất phức tạp bởi có sự móc nối giữa các đối tượng nước ngoài với các đối tượng trong nước để đưa thuốc giả vào Việt Nam tiêu thụ nên còn nhiều đối tượng chưa bị khởi tố. Về vấn đề này, tòa án sẽ kiến nghị tiếp tục xử lý.