Mơ ước được xây nhà hợp pháp trên chính mảnh đất của mình
Gần 100 người tham gia buổi căng băng rôn, khẩu hiệu chiều 30/9 đều là người dân mua đất tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 tại các phường Kiến Hưng, Phú Lương, quận Hà Đông và xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân đã bỏ nhiều tỷ đồng để mua đất nhiều năm nay nhưng không được xây nhà để ở mà hàng tháng vẫn phải nộp tiền lãi suất vay ngân hàng, trong khi nhiều hộ gia đình đang phải thuê nhà để ở.
Chia sẻ với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt chiều 30/9, ông Q. S nói: "Tôi và hàng trăm hộ dân khác đã mua đất cách đây 14 năm, giờ không xây được nhà để ở, không có nhà phải đi thuê mỗi tháng mấy triệu đồng. Cầu mong chính quyền nhà nước cứu người dân chúng tôi, giúp chúng tôi đòi quyền lợi của chính mình. Chúng tôi khổ lắm rồi".
"Bây giờ mong ước lớn nhất của người dân chúng tôi là được xây nhà hợp pháp trên chính mảnh đất của mình đã mua và đã đóng 95-100% tiền đất" - ông S. nói thêm.
Được biết, tình trạng có đất nhưng không xây được nhà đã diễn ra nhiều năm, sau khi làm đơn kiến nghị những vướng mắc đến nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, chiều 30/9 người dân đã buộc phải diễu hành qua Văn phòng chủ đầu tư Thanh Hà Cienco 5 Land và nhiều địa điểm khác ở huyện Thanh Oai để... kêu cứu.
Thông tin cho Phóng viên Dân Việt, một số người dân mua đất Dự án cho biết đây là việc làm "cực chẳng đã", họ mong chính quyền thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ban ngành đôn đốc, tháo gỡ, giải quyết với mục tiêu lớn nhất là Dự án Thanh Hà A, B được tiếp tục xây dựng trở lại để người dân sớm được an cư trên mảnh đất mà mình đã bỏ tiền ra mua từ nhiều năm nay.
Bỏ nhiều tỷ đồng mua đất để hoang
Trước đó, Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải loạt bài phản ánh hàng trăm người dân, khách hàng bỏ tiền tỷ ra mua đất, biệt thự liền kề tại dự án Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 (Hà Đông – Hà Nội) của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản đang bị "mắc kẹt" ở khu dự án nghìn tỷ này bởi những quyết định hành chính của TP.Hà Nội.
Từng chia sẻ với Phóng viên Dân Việt, chủ nhân của một trong những lô đất tiền tỷ bị bỏ hoang là anh T.T.K, quê ở Thái Bình. Anh K biết đến dự án vào năm 2018, sau khi được bạn bè giới thiệu.
Lúc này, dự án Thanh Hà A Cienco 5 và Thanh Hà B Cienco 5 đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản. Tuyến đường trục phía Nam đi qua dự án cũng đã hoàn thành hơn 19km.
Hệ thống hạ tầng đồng bộ quanh dự án cùng cơ sở pháp lý của dự án như Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy phép xây dựng; Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Quyết định cho thuê đất đã thuyết phục được anh Kiên đầu tư vào đây.
Ngay sau đó, anh Kiên đã vay mượn tiền người thân, ngân hàng mua mảnh đất 102m2 ở khu đô thị Thanh Hà A, với giá hơn 4 tỷ đồng.
"Đến đầu năm 2020, tôi có nhu cầu xây dựng mới biết được thông tin không được phép xây dựng tại dự án này. Hiện tại, tôi có đất nhưng bỏ hoang" - anh K kể.
Hiện nay, hàng tháng anh K vẫn phải đi thuê nhà, trả lãi ngân hàng với khoản chi phí hơn 20 triệu đồng/1 tháng.
"Chúng tôi mong cơ quan chức năng làm rõ để được phép xây dựng trở lại, phục vụ nhu cầu ăn, ở chính đáng của người dân", anh K đề nghị.
Còn bà N.T. P (quận Hà Đông, Hà Nội) - một nhà đầu tư bất động sản thứ cấp kể lại: "Trước năm 2018, giao dịch bất động sản tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 diễn ra rất nhộn nhịp. Có ngày cao điểm giao dịch với các đại lý gần chục căn chung cư, 5-7 căn nhà biệt thự liền kề".
Tuy nhiên, đến năm 2019, bà P. cũng như nhiều nhà đầu tư khác nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc dừng thi công xây dựng tại dự án này.
Tại thời điểm này, một số người bạn của bà P. đã mua đất, đang trong quá trình xây thô đến tầng thứ 2, thứ 3 nhưng cũng buộc phải dừng lại, để nguyên hiện trạng cho đến tận bây giờ.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.