Tại Hội thảo "Ung thư và miễn dịch" do Bệnh viện K Trung ương phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam tổ chức ngày 30/9, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, số ca mắc ung thư tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng.
Nếu như năm 2016 có 165.000 trường hợp mắc mới ung thư, đến năm 2018 con số này lên đến 182.000.
Năm 2020, ghi nhận 122.690 trường hợp tử vong vì ung thư, gấp 18 lần tổng số ca tử vong vì tai nạn giao thông trong cùng năm, gấp 3 lần tổng số ca tử vong vì đại dịch Covid-19 (43.094 ca tính đến tháng 8/2022). Hiện cũng có hơn 300.000 người Việt đang sống chung với bệnh ung thư.
"Xu hướng mắc bệnh không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn. Do đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn", GS Quảng chia sẻ.
PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trị ung thư phải kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và miễn dịch. Tùy từng loại ung thư và giai đoạn mắc bệnh mà các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Nếu ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm thì hiệu quả điều trị khá cao, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư sống trên 5 năm có thể lên đến 90-95%.
PGS Bình cũng chia sẻ, nguyên nhân mắc ung thư liên quan nhiều đến các yếu tố thói quen, lối sống, chế độ ăn, môi trường, tỷ lệ tiêm vaccine (HPV với ung thư cổ tử cung, vaccine viêm gan B, C với ung thư gan…).
Ví dụ như người có thói quen uống rượu, hút thuốc thì có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn...
"Dù hiện nay các phương pháp điều trị ung thư đã rất tiến bộ, tuy nhiên, hiệu quả điều trị vẫn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu như bệnh phát hiện sớm, được điều trị sớm thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.
Do đó, người dân nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh tiềm ẩn nếu có, trong đó có bệnh ung thư. Ngoài ra, không nên bỏ qua những dấu hiệu đau yếu, thay đổi của cơ thể, nên đi khám khi sức khỏe bất thường", PGS Bình khuyến cáo.