Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội đã có bài viết đánh giá về cuộc thi gửi đến Báo Điện tử Dân Việt:
Vâng đúng vậy! Đây chỉ là một thoáng cảm nhận bước đầu về Cuộc thi "Ký ức Hà Nội" của Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt. Nếu nói kỹ, cần phải có một bài viết có tính tổng kết nghiêm cẩn, chứ không thể chớp chới như chuồn chuồn quệt nước thế này.
Tờ báo của Hội Nông dân Việt Nam đã có sự phát triển rất hùng mạnh. Từ một tờ báo chính như cái cây lực lưỡng đã trổ ra nhiều nhánh, mà nhánh nào cũng tươi tốt, xum xuê: Nông Thôn Ngày Nay, Báo Điện tử Dân Việt…
Nhiều ấn phẩm cũng chẳng nói được điều gì và chẳng có giá trị gì, nếu như nó không hay. Chúng ta có đến hai tờ báo dành cho nông dân, là Nông Nghiệp Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Nông Thôn Ngày Nay của Hội Nông dân Việt Nam.
Tôi rất thích tờ báo của Hội Nông dân Việt Nam vì nó là một bức tranh toàn cảnh về người quê, cảnh quê, đồng quê, những phong tục tập quán nơi đồng quê xóm mạc.
Ngoài sự phong phú về nội dung, nghệ thuật thể hiện, Tổng biên tập Lưu Quang Định cùng các cộng sự của anh đã có sáng kiến mở ra nhiều chuyên mục, nhiều cuộc thi mang tính văn hóa, như "Làm giàu trên đất quê mình", đây là cuộc thi mang tính báo chí.
Rồi "Làng quê thời Hội nhập", một cuộc thi văn chương bao gồm Truyện ngắn và Phóng sự, Ký sự.
Và bây giờ, ở một góc hẹp hơn: "Ký ức Hà Nội". Đây không phải đơn thuần là trò vặt của nghề báo chí nhằm nâng cao chất lượng bài vở và thu hút bạn đọc đến với tờ báo của mình.
Đây là việc làm vì Dân, vì miếng cơm manh áo và hạnh phúc của người nông dân Việt Nam, một tầng lớp lao động vất vả nhất ở xã hội.
Cuộc thi không phải chuyện giải trí. Tờ báo đã phát hiện được rất nhiều những tấm gương sáng, những cách làm hay, giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Cuộc thi lần này hẹp hơn nhưng cũng rất hay: Nói về Ký ức Hà Nội. Hà Nội là một vùng địa linh nhân kiệt, "lắng hồn núi sông ngàn năm". Hà Nội không phải chỉ của người Hà Nội. Hà Nội là Thủ Đô, là nỗi niềm thiêng liêng, thành kính của tất cả mọi người dân Việt Nam, dù họ ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam hay ở mọi bến bờ Trái đất.
Hà Nội cũng là một đề tài lớn của mọi loại hình Văn học Nghệ thuật. Đã từng có rất nhiều ca khúc, vở kịch, tiểu thuyết, hội họa, điêu khắc, thơ ca rất đặc sắc. Riêng trong loại hình nghệ thuật giao thoa giữa báo chí và văn chương, cũng đã có hai kiệt tác: Hà Nội 36 Phố Phường của Thạch Lam và Thương Nhớ 12 của Vũ Bằng.
Hai tuyệt phẩm này đều khắc họa được vẻ đẹp, tinh hoa của Hà Nội, nhưng là Hà Nội xưa, Hà Nội thuở trước Cách Mạng Tháng 8.
Hà Nội bây giờ hiện đại hơn, bề thế hơn, đẹp hơn và cũng phong phú hơn nhiều nhưng chúng ta lại thiếu một Thạch Lam, hay một Vũ Bằng, vì thế, Hà Nội bây giờ vẫn chưa thành được Hà Nội.
Cuộc thi này, nhằm hoàn thiện vẻ đẹp đó chăng? Vì thế, tôi đánh giá rất cao Báo Nông Thôn Ngày Nay trong sáng kiến tổ chức cuộc thi này.
Tuy nhiên, đối tượng cuộc thi này chỉ hạn hẹp dành cho bạn đọc của báo. Đây là bức tranh muôn màu của Hà Nội hôm nay. Nó phong phú, chân thật. Có lúc rất thật thà, như chuyện có sao thì nói vậy.
Ta gặp ở đây rất nhiều cảnh ngộ, từ một góc phố cổ, đến không khí chuyển mùa, rồi sắc xuân, sắc thu, cây lá ven hồ, cho đến những con người cụ thể với vẻ dẹp bình dị, như bác đạp xích lô, cô giáo già, bà bán chè chén, chợ hoa lưu động trên xe đạp…Rất đẹp và chân thành. Một sự chân thành mộc mạc.
Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác đây mới chỉ là khúc dạo đầu, hay là bước khởi động cho một cuộc thi thực sự sắp tới. Tôi đề nghị báo ta vẫn giữ nguyên cuộc thi, nhưng nới rộng đến các nhà văn và giới cầm bút chuyên nghiệp. Chúng ta cũng nên trịnh trọng mời các nhà văn có tài tham gia cuộc thi hoặc hưởng ứng cuộc thi.
Tôi cũng rất mong Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, cùng chung tay chung sức với báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức cuộc thi này, để cuộc thi có được những tác phẩm thực sự xứng tầm với sự phát triển mới của Hà Nội.
Và vẻ đẹp vĩnh cửu của Hà Nội không phải chỉ quanh quanh ở Hà Nội 36 Phố Phường và Thương Nhớ 12….