Tại xã Thái Mỹ, mô hình cánh đồng Xanh – Sạch – Đẹp được Hôi Nông Dân xã triển khai từ đầu năm cho tới nay trên khu vực trồng lúa rộng 150ha. Tại khu vực này, 40 thùng rác loại lớn với tổng kinh phí 12 triệu đồng được được bố trí để nông dân chứa bao bì, chai lọ của phân, thuốc bảo vật thực vật.
Ông Phạm Hùng Quân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Mỹ cho biết, trước đây, nhiều người vẫn còn thói quen vứt lại chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên bờ ruộng, sau khi đã dùng xong.
Dư lượng còn tồn lại trong các chai, lọ, bao bì này không được vệ sinh, tiêu hủy; sẽ rò rỉ, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường.
"Việc nghiêm túc bỏ rác vào thùng rác tưởng đơn giản nhưng phụ thuộc rất lớn vào ý thức của nông dân. Mô hình cánh đồng Xanh – Sạch – Đẹp sẽ giúp người dân ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh đồng ruộng, bảo vệ môi trường nông thôn", ông Quân nói.
Tại xã Phước Vĩnh An, việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đang được nhiều nông dân áp dụng trên các vườn trồng rau ăn lá.
Ông Trần Minh Trí – Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Củ Chi cho biết, đảm bảo cân bằng trong hệ sinh thái, IPM hướng việc phòng trừ dịch hại bằng biện pháp tự nhiên, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của IPM là bảo vệ thiên địch. Bởi vì, thiên địch là côn trùng có ích, và sử dụng nguồn thức ăn chính là sâu hại, từ đó kìm hãm mật độ sâu hại một cách đáng kể.
"Vì thế, thiên địch cần được bảo vệ bằng cách không phun thuốc bảo vệ thực vật lên đồng ruộng", ông Trí nói.
Thời gian qua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Củ Chi thường xuyên tổ chức các lớp Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau ăn lá cho nông dân xã Phước Vĩnh An.
Qua các lớp học, học viên nông dân được trang bị kiến thức quản lý dịch hại tổng hợp cho vườn rau của mình. Trong quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP; thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh được sử dụng chủ yếu để bảo vệ môi trường và sức khỏe người dùng.
Ông Trần Xuân Thái, nông dân xã Phước Vĩnh An, trước khi tham gia lớp học, đa số nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật theo thói quen. Sau khóa học, ông Thái và nhiều bà con đã biết cách phòng trừ sinh vật hại khi cần thiết. Số lần phun xịt thuốc hạn chế nhưng vườn rau vẫn đảm bảo được năng suất cuối vụ.
Ông Trần Minh Trí cho biết, những kiến thức và cách làm này sẽ được nhân rộng nhiều hơn ở các địa bàn lân cận.
Người dân phải ý thức được việc bảo vệ sức khỏe của người sản xuất, cũng như bảo vệ môi trường trong lành. "Tác hại của việc phun thuốc hóa học ảnh hưởng dài lâu, không phải cứ thấy sâu là phun xịt", ông Trí nói.