Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hiện nay, hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Củ Chi đảm bảo đạt tiêu chuẩn. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sau thu gom được Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích vận chuyển về Khu liên hiệp chất thải rắn Tây Bắc để xử lý hàng ngày.
Chất thải rắn sau thu gom, được đưa vào xử lý đúng quy định đạt 100%. Về công tác thu gom rác, tỷ lệ hộ thực hiện đăng ký đạt 100% (119.612/119.612 hộ), các hộ dân tham gia tích cực công tác thu gom rác.
Đối với các hộ trong hẻm sâu, xa khu dân cư phương tiện thu gom không vào được thì thực hiện tự phân loại, xử lý chất thải hữu cơ thành phân vi sinh, chất thải còn lại được đem ra đầu hẻm bỏ vào thùng rác công cộng cho đơn vị thu gom.
Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, do địa bàn huyện rộng, một số nơi người dân sống không tập trung nên công tác vận động thu gom rác sinh hoạt còn khó khăn.
“Việc người dân vứt rác thải ra lề đường, khu vực vắng vẫn còn. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác vận động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát địa bàn để phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng xả rác không đúng quy định”, ông Đức cho hay.
Đối với chất thải rắn nguy hại, các đơn vị sản xuất đăng ký chủ nguồn thải đúng quy định, có hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom. Chất thải rắn nguy hại tại hộ gia đình được thu gom định kỳ 2 lần/năm.
Tổ chức thu gom chất thải nguy hại từ hộ gia đình gồm: bóng đèn hư, pin đã qua sử dụng, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, màn hình ti vi, thiết bị điện tử đã qua sử dụng.
Trên địa bàn huyện Củ Chi có 3.583 đơn vị sản xuất. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Củ Chi, thời gian qua, các đơn vị thực hiện tốt việc lập thủ tục về môi trường. Trong đó bao gồm: báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường... theo quy định. Đồng thời, các đơn vị đã thực hiện các giải pháp xử lý chất thải, đảm bảo chất thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đều có giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường, có hệ thống tiêu thoát nước phù hợp, không tù đọng gây ô nhiễm môi trường.
Huyện đã tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư.
Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, trên địa bàn huyện có 4 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động là KCN Tây Bắc, KCN Tân Phú Trung, KCN Đông Nam, KCN cơ khí ô tô thành phố.
Tất cả các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn. Riêng đối với các doanh nghiệp tại điểm công nghiệp hiện hữu (Cụm Công nghiệp Tân Quy B) có 21 đơn vị hoạt động, các đơn vị đều có hệ thống xử lý nước thải, khí thải cục bộ, chất thải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường, nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Đối với chất thải rắn y tế, các cơ sở y tế trên địa bàn huyện đã thực hiện công tác phân loại, hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, xử lý theo quy định.
Ông Đức cho biết, thời gian tới huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn của mỗi xã, thị trấn. Giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về thu gom vận chuyển rác sinh hoạt, tình hình cung ứng dịch vụ của đơn vị thu gom rác tại chủ nguồn thải.
“Chúng tôi đã triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Củ Chi nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn phát sinh, giúp tận thu các loại chất thải có khả năng tái sử dụng”, ông Đức cho hay.
Bên cạnh đó, huyện Củ Chi tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường và thực hiện công tác thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng và chất thải nguy hại trong sinh hoạt hộ gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.