Dân Việt

Thành phố Thủ Đức: Phát triển đột phá nhờ “siêu hạ tầng kết nối”

PV 11/04/2022 11:13 GMT+7
Với nền tảng giao thông đa tầng, kết nối đa dạng và đồng bộ bậc nhất TP.HCM cũng như cả nước, TP.Thủ Đức trở thành khu vực sở hữu “siêu hạ tầng kết nối”, mở ra triển vọng phát triển đột phá về kinh tế - xã hội cho thành phố này.


Thành phố Thủ Đức: Phát triển đột phá nhờ “siêu hạ tầng kết nối” - Ảnh 1.

TP.Thủ Đức được đánh giá là nơi sở hữu nền tảng giao thông đa tầng, kết nối đa dạng và đồng bộ bậc nhất TP.HCM cũng như cả nước

Hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, biểu tượng của giao thông hiện đại này có tới 10 trên tổng số 14 ga chạy xuyên suốt TP.Thủ Đức, bắt đầu từ cầu Sài Gòn tới depot Long Bình. Trong tương lai, tuyến này không dừng lại ở depot Long Bình mà sẽ nối dài tới các đô thị liền kề như: Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương).

Dự kiến, năm 2022, metro số 1 sẽ hoàn thành và bắt đầu đưa vào khai thác sử dụng. Đây là tiền đề quan trọng để mở đầu kỷ nguyên giao thông hiện đại, đột phá kết nối cho TP.Thủ Đức cũng như cả TP.HCM.

Ngay sát cạnh depot Long Bình, Bến xe Miền Đông mới đã đi vào hoạt động, sẵn sàng đón hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, tạo ra một đầu mối luân chuyển khách nhộn nhịp và năng động đi đến các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc.

Ở cửa ngõ phía Đông của TP.Thủ Đức, điểm nhấn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Dây dự kiến mở 10-12 làn xe đang hoàn tất thủ tục để mở rộng trước năm 2025. Tuyến đường huyết mạch này đóng vai trò cửa ngõ kết nối cả TP.HCM với Càng hàng không Quốc tế Long Thành cũng như đi tới các trọng điểm kinh tế, du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang… Dự án đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm tới Sân bay Long Thành với chiều dài 37km đang được nghiên cứu sẽ tối đa hoá khả năng kết nối qua cửa ngõ này.

Trong khi đó, giữ vai trò điều phối giao thông nội đô là tuyến vành đai 2 dài 64km, được quy hoạch rộng 60m. Và mới đây, HĐND TP.HCM đã biểu quyết đồng ý bố trí, huy động hơn 24.000 tỷ đồng để đầu tư dự án đường Vành đai 3, dự kiến được triển khai từ năm 2023. Đây là dự án đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có tổng chiều dài gần 92 km.

Từ nay cho tới 2025, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng hàng loạt hệ thống hạ tầng giao thông TP.Thủ Đức, bao gồm xây dựng đoạn kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4m, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77m, xây dựng đường kết nối cảng Cát Lái với đường vành đai 2.

Cùng với đó, thành phố đã thông qua đề án thu phí hạ tầng cảng biển, với nguồn thu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm và chỉ tập trung đầu tư cho những tuyến đường ra vào cảng. Trong đó, khu vực TP.Thủ Đức có nhiều tuyến đường quan trọng như Vành đai 2, Mai Chí Thọ, Võ Chí Công, đường dẫn lên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Thành phố Thủ Đức: Phát triển đột phá nhờ “siêu hạ tầng kết nối” - Ảnh 2.

Cầu Thủ Thiêm 2 kết nối Q.1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm sắp được thông xe

Theo tính toán, để TP. Thủ Đức hoàn thành các mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM đến năm 2025 cần tới số vốn lên tới 41.660 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu lớn nhất là vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, khoảng 30.000 tỷ đồng, hơn 6.400 tỷ đồng đầu tư hạ tầng chống ngập, 4.400 tỷ đồng đầu tư chuyển đổi số, 550 tỷ đồng phục vụ kích cầu một số dự án các ngành nghề kinh tế sáng tạo và hơn 288 tỷ đồng đầu tư cho nghiên cứu quy hoạch, dự án, các quy định, chính sách…

Đòn bẩy phát triển các đô thị thông minh

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), sức hấp dẫn của TP.Thủ Đức đến từ tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch tương lai. Khu vực này đang được đầu tư rất mạnh, kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố cũng như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Môi trường sống tại đây trong lành, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới rót vốn đầu tư, kéo theo lượng người nhập cư, chuyên gia, công nhân liên tục gia tăng…

“Chắc chắn việc hình thành các trung tâm tài chính, hành chính, công nghệ cao, sinh thái trong tương lai sẽ biến khu vực này trở thành một điểm sáng mới mẻ trong bức tranh thị trường bất động sản TP.HCM”, ông Châu nói.

Thành phố Thủ Đức: Phát triển đột phá nhờ “siêu hạ tầng kết nối” - Ảnh 3.

TP.Thủ Đức trở thành một điểm sáng mới mẻ trong bức tranh thị trường bất động sản TP.HCM

Với tiềm lực “siêu hạ tầng kết nối”, các chuyên gia cho rằng TP.Thủ Đức cần phải có những quy hoạch phát triển thị trường địa ốc tương xứng. Điều này đòi hỏi phải thu hút được các các chủ đầu tư có tiềm lực và tầm nhìn để sáng tạo những khu đô thị, dự án hoà hợp, liên kết liền mạch với hạ tầng công cộng đi kèm hệ thống giáo dục, y tế, tiện ích, giải trí… kết nối hoàn hảo xung quanh. Từ đó mới tạo nên một đô thị mang tính cân đối, có chiều sâu bền vững và người dân được hưởng lợi thực trong lâu dài.

Với định hướng phát triển gắn liền với quá trình số hóa, trong tương lai, Thủ Đức hứa hẹn là miền đất hứa cho giới trẻ, giới tri thức. Những phân khúc như nhà ở thông minh dự kiến là hướng ưu tiên của các chủ đầu tư bất động sản khu vực này.