Căn cứ Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008: Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
Đăng ký xe; giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của luật này; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của luật này; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo đó, khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Mặt khác, bảo hiểm xe máy là tên thường gọi của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại bảo hiểm bắt buộc mà chủ xe cơ giới (ôtô, xe máy…) phải có khi tham gia giao thông (Điều 6 Nghị định 03/2021/NĐ-CP).
Chính vì vậy, bảo hiểm xe máy là loại bảo hiểm mà chủ xe cơ giới bắt buộc phải mua, phải mang theo khi tham gia giao thông.
Quyền lợi chủ xe được hưởng khi mua bảo hiểm ôtô/xe máy bắt buộc
Theo quy định hiện nay, trong trường hợp có tai nạn xảy ra, trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Đối với trường hợp người được bảo hiểm tử vong, hoặc mất chức năng hành vi dân sự theo quyết định của toà án, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị hại.
Từ đó có thể hiểu, đối với loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho bên thứ ba, tức bên bị thiệt hại do tai nạn mà chủ xe cơ giới gây ra.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 03/2021/NĐ-CP.
Tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm. Cụ thể: Luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử) khi tham gia giao thông, xuất trình giấy tờ này khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật
Như vậy, người tham gia giao thông có thể sử dụng bảo hiểm xe máy bắt buộc bản điện tử và xuất trình bảo hiểm xe máy bắt buộc bản điện tử cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu thay cho bảo hiểm xe máy bắt buộc bằng giấy.
Định mức chi trả bồi thường của Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ôtô/xe máy
Theo Thông tư 04, kể từ ngày 1.3.2021, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người do xe cơ giới gây ra là 150 triệu VNĐ/người/vụ tai nạn.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản/vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và mức độ lỗi của người được bảo hiểm. Tuy nhiên, không được vượt quá mức trách nhiệm của bảo hiểm:
Do xe môtô hai bánh; xe môtô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Do xe ôtô; máy kéo; rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe máy chuyên dùng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ôtô/xe máy
Đối với xe máy từ 50cc trở xuống, xe máy điện: 60.000 VND/năm. Đối với xe máy trên 50cc: 66.000 VND/năm. Đối với mô tô 3 bánh: 290.000 VND/năm.
Đối với ôtô: Theo quy định tại Phụ lục 05 - Thông tư 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. (Dao động từ 437.000 - 1.825.000 VND đối với xe không kinh doanh vận tải).
Bên cạnh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ôtô/xe máy, trên thị trường còn có thêm loại hình bảo hiểm khác song hành là bảo hiểm ôtô/xe máy tự nguyện.