Dân Việt

Ế vốn đầu tư công: Giao giải ngân 1.800 tỷ đồng tiền vay nước ngoài, nhưng 14 cơ quan “không biết cách tiêu tiền”

An Linh 04/10/2022 11:08 GMT+7
Bộ Công Thương, Xây dựng và Y tế nằm trong số 14 bộ, ngành và địa phương giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài đạt 0 đồng. Trong khi đó, hiện có 17 bộ, ngành, địa phương xin trả lại tiền đầu tư công được giao do không thể tiêu hết.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình giải ngân vốn vay nước ngoài của các bộ, ngành và địa phương trong 8 tháng năm 2022. Đáng nói, cả nước mới chỉ giải ngân được gần 15,5% vốn vay được giao, con số rất thấp.

Ế vốn đầu tư công: Giao giải ngân 1.800 tỷ đồng tiền vay nước ngoài, nhưng 14 cơ quan “không biết cách tiêu tiền” - Ảnh 1.

14 Bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh thành, trong đó có Bộ Công Thương, Xây dựng, Y tế không thể giải ngân được vốn vay nước ngoài (Ảnh minh hoạ).

Theo Bộ Tài chính, con số giải ngân của các bộ là 22,9%, còn ở địa phương chỉ đạt 11,5%. Trong đó có 6 bộ, 8 địa phương không thể giải ngân được một đồng nào từ vốn vay (trong đó có vốn viện trợ không hoàn lại ODA, vốn vay ưu đãi lãi suất, vốn ân hạn…), tổng số vốn vay nước ngoài trong vốn đầu tư công cho các đơn vị này "ế" gần 1.800 tỷ đồng.

Cụ thể, 6 cơ quan Bộ, ngành trung ương giải ngân vốn vay nước ngoài 0 đồng gồm: Công Thương, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 8 địa phương khác gồm Điện Biên Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh.

Theo báo cáo kết quả thanh toán vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính, năm 2022 Bộ Công Thương được giao số giải ngân vốn đầu tư công từ vốn vay nước ngoài là gần 239 tỷ đồng; Bộ Xây dựng là 24 tỷ đồng; Bộ Y tế hơn 230 tỷ đồng; Bộ Quốc Phòng 190 tỷ đồng, Đại học Quốc gia Hà Nội là 259 tỷ đồng, Đại học Quốc gia TP HCM hơn 200 tỷ đồng.

8 tỉnh còn lại được giao giải ngân vốn đầu tư công là vốn vay nước ngoài, trong đó tỉnh Điện Biên vốn nước ngoài là hơn 87 tỷ đồng, Lai Châu 64 tỷ đồng, Sơn La 131 tỷ đồng, Bắc Ninh 27 tỷ đồng, Nam Định 84 tỷ đồng, Bình Phước 68,9 tỷ đồng, Đồng Nai 98 tỷ đồng, Trà Vinh 93 tỷ đồng.

Tổng số vốn vay nước ngoài của 6 cơ quan bộ, ngành trung ương chưa thể giải ngân được lên đến 1.142 tỷ đồng; số vốn vay nước ngoài của 8 địa phương nêu trên là 653 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết 8 tháng năm 2022,  có khoảng gần 1.800 tỷ đồng, số vốn vay nước ngoài được giao cho 14 bộ, ngành cơ quan trung ương và địa phương vẫn trong tình trạng vay để đấy, "ế" vốn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 là gần 645.400 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là hơn 605.100 tỷ đồng, vốn nước ngoài hơn 40.200 tỷ đồng.

Ước tính hết 31/8, cả nước mới giải ngân được hơn 224.600 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch vốn giao. So với kế hoạch Thủ tướng giao, tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 39,15%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (40,6%), trong đó vốn trong nước giải ngân được 40,87%, tháp hơn 4% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện có 7 bộ, 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 45%, 35/51 Bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 35% và 27 Bộ, 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, trong đó có cả Bộ Tài chính (chỉ giải ngân được hơn 9,53%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải ngân được gần 18%.

Về giải ngân vốn trong nước, các Bộ Công Thương và Bộ Y tế cũng nằm trong nhóm những Bộ, ngành có tốc độ giải ngân yếu kém. Cụ thể, Bộ Y tế chỉ giải ngân được tổng vốn đầu tư công trước nước đạt hơn 4,17%, Bộ Công Thương chỉ giải ngân được 20,6%. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 Bộ, địa phương với tổng trị giá là 6.827 tỷ đồng.

Việc chậm giải ngân, ế vốn cả vốn trong nước và vốn vay không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, xây dựng của các đơn vị mà còn khiến Việt Nam vừa không sử dụng được tiền đi vay, vừa phải trả lãi suất các khoản vay nước ngoài (hiện hầu hết là vay lãi suất thấp, rất ít vốn viện trợ không hoàn lại).