Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) cho biết, dự kiến tới tháng 1/2023 sẽ chính thức vận hành tuyến tàu cao tốc nối TP.HCM - Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Được biết, bảng giá vé đề xuất của chủ đầu tư, giá vé dự kiến từ TP.HCM - Côn Đảo khoảng 900.000 đồng/lượt. Thời gian di chuyển từ 5-6 giờ.
Sở GTVT TP.HCM cho hay, hiện tại hai địa phương và chủ đầu tư là Công ty TNHH công nghệ xanh DP (Greenlines DP) đã sẵn sàng mọi việc để vận hành tàu cao tốc trong thời gian tới. Sở GTVT cho hay, các cầu cảng tại Côn Đảo đang sửa chữa nên chưa tiếp nhận tàu và dự kiến tháng 12 sẽ sửa xong hệ thống cầu cảng.
Trong khi đó, đơn vị chủ đầu tư tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo cho biết dự kiến phương án xuất phát từ bến Bạch Đằng sẽ thay đổi sang khu vực Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hoặc cảng Cần Giờ (huyện Cần Giờ). Nguyên nhân, đội tàu được đóng có sức chuyên chở lớn tới 600 khách, khi chạy song song có thể ảnh hưởng tới các phương tiện đường thủy khác xuất phát cùng bến Bạch Đằng.
Ông Trần Song Hải -Tổng giám đốc Greenlines DP cho biết chủ đầu tư đang làm việc với các đơn vị có liên quan để sắp xếp, hỗ trợ bố trí cảng, bến để thuận tiện điều động phương tiện thủy tại đầu bến Côn Đảo.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị phối hợp mở tuyến tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo và ngược lại.
UBND TP.HCM đánh giá việc mở tuyến tàu cao tốc từ TP đi Côn Đảo sẽ thúc đẩy vận tải ven biển và du lịch đường thủy phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân hai địa phương.
Theo đó, người dân TP.HCM hiện nay chủ yếu đến Côn Đảo bằng đường hàng không. Tuy nhiên, dự kiến từ tháng 4 đến tháng 12/2023, sân bay Côn Đảo sẽ đóng cửa để nâng cấp, mở rộng.
Bộ GTVT cho biết, dự án cải tạo mở rộng sân bay Côn Đảo đang được thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đồng bộ các hạng mục nâng cấp, mở rộng đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga, sân đỗ... phấn đấu khởi công trong năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024.
Để sớm triển khai dự án này, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nâng cấp, mở rộng tại Cảng hàng không Côn Đảo.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, có 2 phương án đầu tư đồng bộ sân bay Côn Đảo, hoặc theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, hoặc theo Luật Đầu tư PPP.
Cụ thể, Cục Hàng không cho biết, nếu triển khai đầu tư theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, Cục này sẽ làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án thành phần 1: Đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn với tổng kinh phí 1.680 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024.
Dự án thành phần 2 (công trình bảo đảm hoạt động bay) sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm nhiệm. Theo đó, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm đầu tư Đài Kiểm soát không lưu, Hệ thống quan trắc khí tượng tự động với tổng mức đầu tư dự kiến 169 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 (nhà ga hành khách, sân đỗ và hạ tầng dùng chung…) sẽ do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.400 tỷ đồng.
Riêng dự án thành phần 4 (kho xăng dầu hàng không) sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay của Bộ Giao thông Vận tải. Dự kiến có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư.
Trong khi đó, phương án 2 sẽ triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư (trừ hình thức BOO để đảm bảo nguyên tắc nhà nước có quyền định đoạt đối với kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia).
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền dự án PPP Cảng Hàng không Côn Đảo. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.402 tỷ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư. Tiến độ triển khai thực hiện tối thiểu 51 tháng trong khi nếu triển khai theo phương án 1 chỉ cần 21 tháng.
Nêu ý kiến về 2 phương án trên, Cục Hàng không cho rằng đầu tư theo phương án 1 sẽ có tính khả thi cao hơn do đã có các chủ đầu tư dự án thành phần theo quy định pháp luật hiện hành. Thực tế, việc kêu gọi đầu tư PPP theo phương án 2 với tổng mức đầu tư ước tính 4.400 tỷ đồng đối với Cảng Hàng không Côn Đảo có công suất dưới 2 triệu hành khách/năm sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nếu xét về phương án hoàn vốn cũng như hiệu quả đầu tư.