Dân Việt

Vụ tận thu gần 1,4 triệu tấn Apatit: UBND tỉnh Lào Cai đã cấp, thu hồi rồi lại cấp chứng nhận cho doanh nghiệp

Nhóm PV 05/10/2022 10:22 GMT+7
Nhà chức trách cáo buộc, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng ở TP.Lào Cai nhưng sau đó đơn vị này lại "núp bóng" để khai thác trái phép quặng Apatit và bán thu lời.

Đang san gạt thì phát hiện quặng Apatit

Như Dân Việt đã đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai vừa ban hành cáo trạng, truy tố các bị cáo trong vụ khai thác trái phép gần 1,4 triệu tấn quặng Apatit ở TP.Lào Cai.

Theo đó, các bị can Nguyễn Mạnh Thừa - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama (Công ty Lilama), Nguyễn Ngọc Bích - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Công ty Apatit Việt Nam), Nguyễn Quang Huy - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Apatit Việt Nam, Phạm Cao Khiêm - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam bị truy tố về tội "Vi phạm quy định nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".

Giám đốc Công ty Lilama Nguyễn Mạnh Thừa còn bị truy tố tội "Rửa tiền".

Vụ tận thu gần 1,4 triệu tấn Apatit: UBND tỉnh Lào Cai đã cấp, thu hồi rồi lại cấp chứng nhận cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng khám xét nhà bị can Phạm Cao Khiêm vào cuối tháng 12/2021. Ảnh: Báo Lào Cai

Cơ quan truy tố xác định, Giám đốc Công ty Lilama hưởng lợi hơn 170 tỷ đồng từ việc khai thác quặng lậu. Người này rửa tiền bằng cách mua biệt thự, gửi tiết kiệm, thậm chí còn khai chi tiền cho cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai.

Trở lại diễn biến liên quan, hồ sơ thể hiện, UBND tỉnh Lào Cai đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng cho Công ty Lilama tại thôn 2, xã Đồng Tuyển (TP.Lào Cai) vào năm 2009.

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 12121000138 ngày 27/4/2009 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh ký, mục tiêu của dự án là xây dựng nhà hàng, khách sạn với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nội thất hiện đại để phục vụ khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Dự án đi vào thực hiện sẽ góp phần cụ thể hóa quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2005 – 2010, định hướng đến năm 2020; đáp ứng được yêu cầu mở rộng quy mô hoạt động, tăng doanh thu cho công ty, tăng thu cho ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.

Dự án có diện tích 3,77 ha, tổng vốn đầu tư ghi trên giấy chứng nhận này là hơn 5,2 tỷ đồng (vốn tự có 3 tỷ, vốn vay hơn 2,2 tỷ); thời hạn thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận.

Ngày 30/8/2009, Công ty Lilama đã có văn bản số 20, gửi tới UBND tỉnh Lào Cai, báo cáo rằng trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công san gạt mở đường vào mặt bằng dự án đã phát hiện có một số quặng Apatit. Công ty này nói nhận thức được là nguồn tài nguyên của Quốc gia, do Công ty Apatit Việt Nam quản lý sử dụng.

Vụ tận thu gần 1,4 triệu tấn Apatit: UBND tỉnh Lào Cai đã cấp, thu hồi rồi lại cấp chứng nhận cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Trong quá trình san gạt, Công ty Lilama phát hiện quặng Apatit nên đã báo cáo tới UBND tỉnh Lào Cai. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Phía Công ty Lilama trình bày, để khai thác tận thu tránh lãng phí tài nguyên của Quốc gia, đồng thời đảm bảo việc san gạt mặt bằng thi công dự án đúng tiến độ, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai cho phép dự án tiếp tục được thực hiện; có hướng chỉ đạo để Công ty Lilama phối hợp với Công ty Apatit Việt Nam tổ chức khai thác tận thu hết quặng Apatit có trong mặt bằng dự án và giao cho Công ty Apatit Việt Nam quản lý, sử dụng tài nguyên quặng này.

Ngày 23/9/2009, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh ký văn bản 2340, thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBDN tỉnh Lào Cai gửi tới các bên liên quan để giải quyết đề nghị của Công ty Lilama.

Ngày 8/10/2009, các đơn vị ở Lào Cai gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.Lào Cai và 2 Công ty Lilama, Apatit đã họp.

Cuộc họp kết luận, khu vực đầu tư dự án khách sạn, nhà hàng thuộc phạm vi Khai trường 18 đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và tuyển quặng Apatit giai đoạn 2008 – 2020 có tính đến sau năm 2020. Căn cứ theo quy định, dự án phải chấm dứt hoạt động.

Thu hồi rồi lại cấp Giấy chứng nhận đầu tư

Ngày 11/1/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai có tờ trình số 23 về việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư số 12121000138, ngày 27/4/2009 của UBND tỉnh Lào Cai, chấm dứt thực hiện dự án đầu tư khách sạn, nhà hàng của Công ty Lilama.

Ngày 27/1/2010, UBND tỉnh Lào Cai có quyết định số 212, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư nêu trên; Công ty Lilama chấm dứt toàn bộ các hoạt động liên quan dự án. Quyết định này do ông Nguyễn Văn Vịnh ký.

Vụ tận thu gần 1,4 triệu tấn Apatit: UBND tỉnh Lào Cai đã cấp, thu hồi rồi lại cấp chứng nhận cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Khu vực Công ty Lilama từng thực hiện dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn ở TP.Lào Cai giờ chỉ là bãi đất trống hoang tàn. Ảnh: BT

Ngày 11/4/2012, ông Nguyễn Văn Vịnh (lúc này là Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) ký văn bản 839, gửi Công ty Apatit Việt Nam, đồng ý tạm giao cho đơn vị này tổ chức bảo vệ quặng Apatit trong phạm vi 3,77ha thuộc Khai trường 18 xã Đồng Tuyển; đồng thời giao cho công ty đó cải tạo mặt bằng khu mỏ để xử lý nguy cơ gây sạt lở đất đá, đưa mỏ về trạng thái an toàn. Trong quá trình cải tạo, nếu khối lượng san gạt có kèm theo khoáng sản thì cho phép Công ty Apatit Việt Nam thu hồi, vận chuyển để quản lý, sử dụng theo quy định.

Ngày 12/4/2012, Công ty Apatit Việt Nam ký hợp đồng nguyên tắc số 366 với Công ty Lilama, đồng ý giao cho Công ty Lilama thu hồi quặng Apatit trong phạm vi 3,77 ha thuộc Khai trường 18 xã Đồng Tuyển. Sản phẩm được bốc, vận chuyển vào kho quặng của Công ty Apatit Việt Nam.

Ngày 30/5/2012, Công ty Lilama gửi văn bản đến UBND tỉnh Lào Cai, mong muốn UBND tỉnh này giao lại diện tích đất 3,77 ha và cấp lại Giấy chứng nhận đầu tư khách sạn, nhà hàng tại thôn 2, xã Đồng Tuyển mà trước đây tỉnh này đã cấp để Công ty Lilama tiến hành đầu tư xây dựng dự án.

Lý do được đơn vị này đưa ra là Công ty Apatit Việt Nam được UBND tỉnh Lào Cai cho phép san tạo, tận thu số quặng nằm rải rác trong diện tích 3,77ha về cơ bản đã hết quặng, thời hạn đến đầu tháng 6/2012 đã hoàn thành.

Vụ tận thu gần 1,4 triệu tấn Apatit: UBND tỉnh Lào Cai đã cấp, thu hồi rồi lại cấp chứng nhận cho doanh nghiệp - Ảnh 4.

Cổng vào khu vực được dựng tạm bằng những khung sắt đã gỉ sét. Ảnh: NH

Đến ngày 12/6/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai có ý kiến qua văn bản 1551, giao các đơn vị liên quan xem xét đề xuất của Công ty Lilama. Ngày 19/6/2012, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai chủ trì cuộc họp giải quyết đề nghị của Công ty Lilama về dự án khách sạn, nhà hàng. Cuộc họp này có 8 đơn vị liên quan tham gia, trong đó có 2 Công ty Lilama, Apatit.

Sau khi họp bàn, thảo luận, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai kết luận, khu vực Công ty Lilama đề nghị đầu tư nhà hàng, khách sạn ở thôn 2, xã Đồng Tuyển thuộc phạm vi Khai trường 18 đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch thăm dò. Về mặt nguyên tắc, khu vực 3,77ha tại thôn 2 này UBND tỉnh đang giao cho Công ty Apatit Việt Nam quản lý.

Tài liệu cũng thể hiện, nguyện vọng được đầu tư khách sạn, nhà hàng của Công ty Lilama là chính đáng; các ngành cơ bản thống nhất với đề nghị của Công ty Lilama, tuy nhiên đề nghị Công ty Apatit Việt Nam, Lilama làm việc, thống nhất phương án báo cáo UBND tỉnh Lào Cai.

Ngày 2/8/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh ký văn bản 2160, đồng ý về chủ trương cho Công ty Lilama đầu tư dự án nhà hàng, khách sạn tại thôn 2, xã Đồng Tuyển.

Vụ tận thu gần 1,4 triệu tấn Apatit: UBND tỉnh Lào Cai đã cấp, thu hồi rồi lại cấp chứng nhận cho doanh nghiệp - Ảnh 5.

Dự án nhà hàng, khách sạn giờ chẳng thấy đâu, thay vào đó là sự hoang tàn của hiện trạng, cán bộ liên quan thì bị bắt vì những vi phạm nghiêm trọng. Ảnh: BT

Công ty Apatit Việt Nam bàn giao diện tích 3,77ha thuộc Khai trường 18, xã Đồng Tuyển cho Công ty Lilama lập dự án đầu tư nhà hàng, khách sạn. "Trong quá trình thực hiện dự án nếu còn khoáng sản Công ty Lilama được tận thu và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định hiện hành" – một nội dung được nêu rõ trong văn bản số 2160.

Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều vi phạm

Ngày 10/8/2012, Sở Xây dựng Lào Cai có thông báo số 99, giới thiệu địa điểm cho Công ty Lilama lập dự án nhà hàng, khách sạn. Thanh tra Chính phủ trong kết luận thanh tra số 3238, ngày 29/12/2017 xác định, việc Sở Xây dựng Lào Cai có thông báo số 99, ngày 10/8/2012 và thông báo số 01 ngày 3/1/2012, giới thiệu địa điểm cho Công ty Lilama lập dự án nhà hàng, khách sạn là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (diện tích 3,77ha nằm trong vùng quy hoạch, thăm dò khai thách và tuyển quặng Apatit).

Đến ngày 6/9/2012, ông Nguyễn Mạnh Thừa ký bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án khách sạn, nhà hàng gửi UBND tỉnh Lào Cai. Theo bản đề nghị này, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, bắt đầu xây dựng quý IV/2012, hoàn thành quý II/2014; vốn đầu tư dự kiến để thực hiện dự án là 25,4 tỷ đồng, trong đó vốn góp thực hiện là 15,4 tỷ đồng, còn lại vay 10 tỷ đồng.

Vụ tận thu gần 1,4 triệu tấn Apatit: UBND tỉnh Lào Cai đã cấp, thu hồi rồi lại cấp chứng nhận cho doanh nghiệp - Ảnh 6.

Công ty Lilama đã "núp bóng" xây dựng nhà hàng, khách sạn để tận thu Apatit. Dư luận ủng hộ, đánh giá cao việc cơ quan chức năng Lào Cai quyết liệt xử lý vụ việc không có vùng cấm. Ảnh: BT

Ngày 3/12/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh ký văn bản 3805 về việc giải quyết một số vướng mắc liên quan dự án đầu tư nhà hàng, khách sạn của Công ty Lilama.

Trong đó có nội dung "diện tích 3,77ha trong đó 0,65 ha phía Tây bắc nằm ngoài khu vực cấm, còn lại 3,12ha nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Do đó cho phép Công ty Lilama điều chỉnh lại diện tích xây dựng dự án, lấy chiều bám theo mặt đường QL4D để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư nhà hàng, khách sạn…".

Đến ngày 17/12/2012, ông Nguyễn Văn Vịnh ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 12121000358 cho Công ty Lilama thực hiện dự án nhà hàng, khách sạn với diện tích, quy mô và tổng mức đầu tư như đã nêu ở trên. Trong quyết định có ghi, trong quá trình thực hiện dự án, nếu có khoáng sản Công ty phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 29/3/2013, UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định 754, với nội dung cho phép chuyển mục đích sử dụng 3,77ha đất tai xã Đồng Tuyển và xã Cốc San (Bát Xát) để thực hiện dự án đầu tư khách sạn, nhà hàng của Công ty Lilama. Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, việc này là không đúng quy định của Luật Đất đai. Tiếp đó, ngày 29/3/2013, UBND tỉnh Lào Cai có quyết định 755, phê duyệt cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Lilama.

Ngày 1/4/2013, Công ty được bàn giao đất tại thực địa; ngày 12/4/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai và Công ty Lilama ký hợp đồng thuê đất. Ngày 20/5/2013, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản cho phép Công ty Lilama thu gom, tận thu Apatit.

"Trong thực tế, trên diện tích 3,77ha mặt bằng xây dựng khách sạn, nhà hàng, Công ty đã thu được gần 1,4 triệu tấn quặng Apatit, số tiền bán quặng thu được hơn 379 tỷ đồng" – Thanh tra Chính phủ kết luận trong kết luận năm 2017.