Đối với công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, huyện Củ Chi xem đây là công cụ hữu ích để thông tin nhanh chóng, kịp thời đến người dân. Do đó công tác tuyên truyền được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện sâu rộng. Qua đó làm khơi dậy tính tích cực của nhân dân, được nhân dân ủng hộ, đồng tình tham gia hiến đất thực hiện công trình.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, huyện Củ Chi đã triển khai những kế hoạch và việc làm cụ thể nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Về đường giao thông nông thôn, huyện Củ Chi đang tiếp tục triển khai 5/6 công trình: Đường 464 xã Trung An (Cầu Trắng — Sông Lu); sửa chữa nâng cấp đường vào Khu sinh thái Hoa — Cây kiểng - Cá cảnh liên xã Trung An - xã Phú Hòa Đông; xây mới cầu kênh N31A — đường Suối Lội; xây mới cầu kênh N31A — đường Trần Văn Chẩm; xây mới cầu Đen - đường Cây Gõ.
Đánh giá về công tác chỉ đạo, lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện, đã có sự tập trung trong chỉ đạo. Qua đó, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm các xã, các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ban chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các đơn vị thực hiện hoàn thành tốt công việc.
Bên cạnh những thuận lợi, huyện cũng ghi nhận nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, một số thành viên Ban chỉ đạo huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao. Một số nhiệm vụ đề ra trong các kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo, kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy chậm thực hiện, hoặc thực hiện chưa có hiệu quả rõ nét. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở theo dõi việc thực hiện các kế hoạch, chỉ đạo, kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy, của Ban Chỉ đạo Chương trình nông thôn mới huyện chưa thường xuyên, kịp thời.
Đối với công tác tuyên truyền, huyện đánh giá chưa hiệu quả so với giai đoạn trước. Hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền chưa có sự đa dạng, thiếu phong phú, tác dụng lan tỏa chưa nhiều, có nơi thực hiện mang tính hình thức.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Củ Chi cũng ghi nhận nhiều hạn chế như: Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn mới chỉ đạt một số kết quả nhất định, chưa bảo đảm yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp chưa cao.
Đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân vẫn còn hạn chế, một số điểm rác tự phát ven đường còn rác. Trên địa bàn huyện thiếu hệ thống thu gom thoát nước, nên việc kiểm soát và quản lý xả thải tại các lưu vực kênh, rạch khu vực nông thôn còn khó khăn. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh gây áp lực cho việc xử lý chất thải sinh hoạt.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, huyện Củ Chi đã đề ra những phương hướng cụ thể.
Trong đó, đối với công tác quy hoạch trên địa bàn, huyện Củ Chi tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Thẩm định hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của 19 xã. Triển khai công tác lập quy chế quản lý kiến trúc của điểm dân cư nông thôn.
Huyện tiếp tục rà soát, kiến nghị thành phố chấp thuận cho điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000, 1/5000.
Huyện cũng thường xuyên kiểm tra hạ tầng giao thông đường bộ để tu sửa chữa kịp thời, nhằm đảm bảo cho người tham gia giao thông. Huyện phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, các hành vi xâm hại đến kênh rạch và hệ thống thoát nước.
Trong nông nghiệp, huyện Củ Chi chủ trương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Thực hiện có hiệu quả các chính sách xây dựng nông thôn mới; chính sách khuyến khích chuyển, dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố.
Qua đó tạo điều kiện đề các tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản Củ Chi.
Về lĩnh vực kinh tế tập thể, huyện Củ Chi tăng cường lãnh đạo, củng cố, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện. Xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh.
Đối với lĩnh vực cấp thiết như môi trường, huyện tiếp tục kiểm tra giám sát chặt chẽ các nguồn chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết, huyện sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đảm bảo 100% các cơ sở hoạt động có phát sinh chất thải, có biện pháp thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường quy định trước khi thải ra môi trường.
“Trong thời gian sắp tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở 10 xã kiểu mẫu. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan. Qua đó giúp Củ Chi từng bước đạt được những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến nâng cao đời sống cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện”, ông Lê Đình Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết.