Chỉ số VN-Index lúc 10h55 phút đã giảm gần 45 điểm, chính thức lùi về dưới 1.030 điểm. Đây là phiên giảm thứ 4 trong số 5 phiên giao dịch từ đầu tháng đến nay, qua đó "thổi bay" của VN-Index gần 100 điểm.
Đà bán tháo giờ diễn ra trên cả nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó ngân hàng và chứng khoán chịu áp lực đáng kể. Các ông lớn TCB, MBB, STB, MSB, TPB, VND, VIX, BSI đã phải giao dịch ở mức giá sàn.
Áp lực bán tháo bắt nguồn từ các mã vốn hoá lớn khi toàn bộ 30 cổ phiếu trong rổ VN30 đồng loạt giảm, sau đó lan ra các mã vốn hoá vừa và nhỏ.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ACB và STB đối mặt lực bán xả hàng quyết liệt nhất khi cùng giảm 6,5%. Các mã ngân hàng khác như TPB, MBB, TCB, VPB đều giảm trên 4% so với tham chiếu. Cổ phiếu bất động sản, bán lẻ, công nghiệp như KDH, VHM, MWG, HPG cũng giảm sâu.
Chỉ số VN30 thậm chí còn giảm gần 50 điểm, tương ứng hơn 4,6%.
Tính đến 11h, toàn thị trường có 438 triệu đơn vị được chuyển giao, tương ứng 7.600 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE đạt hơn 6.900 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng thời điểm phiên hôm qua.
Tạm đóng cửa phiên sáng, cả 3 chỉ số trên 3 sàn đều sụt giảm. Cụ thể, chỉ số VN-Index "bốc hơi" mất 42,88 điểm (-3,99%); trong khi HNX Index giảm 10,82 điểm, về mức 224,31 điểm (-4,6%); còn UPCoM Index giảm 2,91 điểm, về mức 79,5 điểm (-3,53%).
Có 628 mã giảm điểm và 145 mã giảm sàn trong khi số mã tăng giá là 101 mã (23 mã tăng trần).
Thanh khoản 3 sàn trong phiên sáng đạt trên 9.100 tỷ đồng, khởi sắc hơn con số cùng thời điểm phiên giao dịch hôm qua.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, chia sẻ với Dân Việt, rằng thị trường sụt giảm mạnh là do tâm lý nhà đầu tư vẫn lo lắng, hoang mang bởi các thông tin như tỷ giá vẫn tăng cao; lãi suất huy động tăng cao khiến nhà đầu tư lo lắng lãi suất đầu ra cho vay sẽ tăng… Khi lãi suất đầu ra tăng thì sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn của doanh nghiệp, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp và cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Một số DN do lãi suất tăng cao, trong khi room tín dụng không nhiều nên khó tiếp cận vốn vay để tái đầu tư sản xuất kinh doanh nên có thể doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn trong thời gian tới. Vì vậy nhà đầu tư lo ngại cũng dễ hiểu", ông Phương chia sẻ.
Một nguyên nhân khác, có vẻ như tình hình lạm phát tại Mỹ chưa đạt đỉnh tốt, chưa kể một vài phát biểu gần đây của một số lãnh đạo FED ở các tiểu bang cho thấy họ vẫn ủng hộ chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này có nghĩa là dự báo FED có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
Một khi FED tiếp tục tăng lãi suất thì dòng vốn sẽ chảy ngược về Mỹ, đặc biệt là từ những thị trường cận biên, thị trường mới nổi… trong đó có Việt Nam.
"Đây là những nguyên nhân căn cơ, nền tảng về tài chính khiến cho nhà đầu tư lo lắng", ông Phương nhận định.
Ngoài ra, theo ông Phương, hiện đang có một số tin đồn trên thị trường nhưng phải khẳng định đây là những tin đồn thất thiệt gây hoang mang cho nhà đầu tư.
"Các thông tin này có khuynh hướng thao túng tâm lý nhà đầu tư theo chiều hướng tiêu cực, vì vậy nhà đầu tư nên hết sức cảnh giác, tránh nghe theo các tin đồn thất thiệt này", ông Phương nói thêm.
Lời khuyên của chuyên gia này cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại, ông Phương cho hay, hiện nay có dấu hiệu của một số nhà đầu tư lớn đang bán xuống làm cho thị trường sụt giảm vì những mục đích riêng. Vì vậy, đề nghị nhà đầu tư không nên bán tháo theo và cố gắng bảo vệ danh mục đầu tư của mình như một khoản đầu tư trung và dài hạn.
"Khi nền kinh tế ổn định, kết quả kinh doanh quý 3 sẽ phản ánh nhiều về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh và thận trọng trước các đợt bán tháo không có căn cứ và có tính chất định hướng tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư", ông Phương nói và nhận định thêm, hiện nay nhà đầu tư nhiều khi nghe theo lời khuyên của môi giới rằng nên bán cắt lỗ hoặc bán để chờ một vùng giá thấp nào đó để mua lại. Tuy nhiên, chiến lược này là không hiệu quả.
"Việc bán cắt lỗ hay bán để chờ mua vùng giá thấp hơn ở thời điểm này là không khả thi. Hiện tại nhà đầu tư đã lỗ rồi, nếu vùng giá thấp không xảy ra như kỳ vọng thì nhà đầu tư sẽ càng thiệt hại hơn", ông Phương chốt lại.