Dân Việt

Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần ảm đạm với 251 cổ phiếu giảm sàn, VN-Index mất gần 39 điểm

Quốc Hải 07/10/2022 19:53 GMT+7
VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần giảm gần 39 điểm, sàn HoSE "rực lửa" với 440 mã giảm, trong đó có tới 126 mã giảm sàn.
Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần "ảm đạm" với 251 cổ phiếu giảm sàn, VN-Index mất gần 39 điểm - Ảnh 1.

Thị trường "rực lửa" phiên cuối tuần, VN-Index mất gần 39 điểm. Ảnh: Vietstock

Chứng khoán phiên cuối tuần lại bị bán tháo, VN-Index mất gần 39 điểm

Sau giờ mở cửa, áp lực bán càng tăng dần lên khiến thị trường bao phủ bởi sắc đỏ trên bảng điện. Chỉ số VN-Index nới rộng đà giảm điểm và nhanh chóng xuyên thủng mốc 1.050 điểm ngay sau khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục. 

Đáng chú ý, rổ VN30 không có nổi mã nào “thoát nạn”, trong đó chỉ có 4 mã là VJC, VHM, VIC, SAB có mức giảm dưới 1%, còn lại đều giảm khá mạnh.

Đặc biệt, trong suốt phiên giao dịch buổi sáng, nhóm ngân hàng là nguyên nhân chính khiến thị trường đi xuống với sắc đỏ từ VCB, BID, TCB, CTG, VPB, MBB, tác động tiêu cực lên chỉ số. 

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 42,88 điểm (3,99%) còn 1.031,64 điểm, HNX-Index giảm 10,82 điểm (4,6%) còn 224,31 điểm, UPCoM-Index giảm 2,91 điểm (3,53%) xuống 79,5 điểm.

Bước sang phiền chiều, tính đến 14h, VN-Index giảm 41,73 điểm (3,88%) về 1.032,79 điểm, VN30-Index giảm 44,65 điểm (4,13%) xuống 1.036,71 điểm.

Trong nhóm VN30, chỉ có 4 mã đã đi ngược thị trường thành công là VJC, SAB, VHM và VIC với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%, trong khi phần lớn các cổ phiếu khác giảm sâu.

Cụ thể, trong 26 mã giảm điểm của rổ này, có tới 8 mã nằm sàn gồm TCB, VPB, MWG, STB, TPB, CTG, GVR, POW. Ngoài ra, ACB, MBB, MSN có mức giảm hơn 6%... 

Tuy nhiên, đáng chú ý ở nhóm ngân hàng là trong phiên chiều, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp MBB thoát nằm sàn và đóng cửa đứng tại mức giá 16.950 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 41,17 triệu đơn vị.

Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần "ảm đạm" với 251 cổ phiếu giảm sàn, VN-Index mất gần 39 điểm - Ảnh 2.

Các mã chứng khoán tác động mạnh đến thị trường hôm nay 7/10. Ảnh: Vietstock

Cũng gây chú ý trong phiên giao dịch hôm nay là HPG. Bên cạnh cầu nội gia tăng, khối ngoại cũng đã trở lại trạng thái mua ròng mạnh sau chuỗi ngày xả bán, giúp cổ phiếu HPG thu hẹp đà giảm đáng kể. 

Chốt phiên, HPG chỉ giảm 2,2%, đứng ở mức 17.600 đồng/CP và khớp lệnh tới gần 36,5 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm ngân hàng và chứng khoán tiếp tục gia tăng sức ép với hàng loạt mã đóng cửa trong sắc xanh lơ. Bên cạnh những mã trong nhóm VN30, nhiều cổ phiếu khác trong ngành này như MSB, LPB hay VND, HCM, FTS, VIX, VDS, BSI, AGR, CTS… đều đứng tại mức giá sàn.

Đóng cửa, sàn HoSE có 52 mã tăng và 440 mã giảm (145 mã giảm sàn), VN-Index giảm 38,61 điểm (-3,59%), xuống 1.035,91 điểm. 

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 877,31 triệu đơn vị, giá trị 16,976,7 tỷ đồng, tăng 60,74% về khối lượng và 52,73% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 88,64 triệu đơn vị, giá trị 2.762,51 tỷ đồng.

Sàn HNX đóng cửa cũng chỉ có 31 mã tăng và 184 mã giảm (46 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 9,04 điểm (-3,84%), xuống 226,09 điểm. 

Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,77 triệu đơn vị, giá trị 1.285,63 tỷ đồng, tăng 65% về lượng và 38,33% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,75 triệu đơn vị, giá trị 22,5 tỷ đồng.

Còn trên UpCoM, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, UpCoM-Index giảm 2,43 điểm (-2,95%), xuống 79,98 điểm. 

Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,81 triệu đơn vị, giá trị 514,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,94 triệu đơn vị, giá trị 40,42 tỷ đồng.

Về giao dịch khối ngoại, tính chung trên toàn thị trường trong phiên 7/10, nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng 3,29 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 278,1 tỷ đồng. Trước đó, trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 6/10), khối này đã bán ròng 13 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 149,03 tỷ đồng.

Trong báo cáo chiến lược ngành được công bố sáng nay (7/10), SSI Research duy trì góc nhìn thận trọng đối với diễn biến dòng tiền vào thị trường chứng khoán cũng như xu hướng vận động chung của thị trường, ít nhất cho tới cuộc họp Fed vào tháng 11.

Trong khi đó, yếu tố tích cực đến từ định giá thị trường đang ở mức thấp có thể giúp dòng tiền chủ động giải ngân. Định giá P/E của VN-Index đang ở mức 11,7 lần ngày 3/10, dần tiệm cận mức đáy 10,35 lần vào ngày 24/3/2020. P/E ước tính năm 2022 hiện ở mức 10,2 lần.

Với yếu tố tích cực này, kỳ vọng hoạt động giải ngân ở mức thăm dò có thể diễn ra.

Ở góc nhìn kỹ thuật, vận động của VN-Index trong tháng 10 sẽ được quyết định bởi vùng quan sát quan trọng 1.100 điểm.

"Nếu duy trì ổn định được trên vùng này, nhiều khả năng VN-Index sẽ hình thành một nhịp hồi phục với vùng mục tiêu quan trọng 1.142-1.150 điểm (vùng đáy ngắn hạn tháng 7). Ngược lại, khi mốc 1.100 điểm bị xuyên thủng, chỉ số có thể tìm điểm cân bằng và hồi phục trở lại từ nền hỗ trợ cứng 1.025-1.000 điểm", chuyên gia SSI Research dự báo.