Rau ngải cứu là loại rau quý mang lại rất nhiều công dụng tuyệt vời. Nghiên cứu đã chỉ ra, trong loại cây này có chứa các chất giúp an thần, lợi mật. Đặc biệt có tính kháng khuẩn cao và giúp cầm máu cực kỳ tốt.
Người xưa thường sử dụng loại rau quý này để chế biến các món ăn bài thuốc giúp trị đau đầu, kinh nguyệt không đều, bổ tỳ vị, bảo vệ lá lách, dạ dày.
Bên cạnh đó, rau ngải cứu còn có nhiều công dụng khác khi tham gia vào các toa thuốc Đông y trị các bệnh về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón…
Ngải cứu có thể đem chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau.
Trong đó phải kể tới trứng rán ngải cứu, món ngon vừa dễ làm lại giàu dinh dưỡng.
Nguyên liệu làm trứng rán ngải cứu
- Lá ngải cứu tươi: 100g
- Trứng gà: 5 quả
- Muối, dầu ăn
* Mẹo hay:
- Nên chọn mua ngải cứu non để rán trứng như thế sẽ không bị đắng. Thường lá ngải cứu non sẽ có màu xanh tươi. Lá nhỏ, chạm vào có cảm giác mềm như nhung.
- Không mua ngải cứu có màu xanh thẫm, thường loại này đã bị phun thuốc và hơi già.
- Về trứng, bạn có thể chọn trứng gà hoặc trứng vịt. Quan sát và mua trứng có vỏ ngoài cứng, bóng, trên bề mặt không xuất hiện vết chai sần.
Ngoài ra, trứng tươi, mới sẽ có 1 lớp phấn mỏng bọc bên ngoài vỏ - điểm này trứng gà công nghiệp hoặc trứng gà để lâu không thể có được.
Cách làm trứng rán ngải cứu
- Ngải cứu mua về đem nhặt bỏ cọng già rồi rửa thật sạch để loại bỏ bùn, đất bám trên lá.
- Bắc 1 nồi nước lên bếp đun sôi và cho rau ngải cứu vào chần sơ khoảng 1 phút.
- Vớt rau ra cho vào thau nước lạnh để giữ cho rau xanh.
- Dùng tay vắt ngải cứu cho hết nước rồi đặt lên thớt. Dùng dao thái nhỏ rau để khi rán sẽ ngon hơn.
- Đập 5 quả trứng gà vào bát tô, thêm 1 chút muối rồi dùng đũa đánh cho trứng và gia vị tan vào nhau.
- Trút phần rau ngải cứu đã thái nhỏ vào rồi khuấy đều lên.
- Bắc chảo chống dính lên bếp. Thêm dầu ăn vào đun nóng.
- Từ từ đổ trứng vào trong chảo dầu.
- Chờ trứng chín đông lại thì dùng thìa lật trứng cho chín vàng đều 2 mặt.
- Lưu ý, khi rán, nếu thích ăn lớp vỏ giòn thơm thì rán lâu hơn 1 chút. Món trứng này phải có xém vàng sẽ thơm và ngon hơn.
- Gắp trứng ra đĩa và thưởng thức khi còn nóng. Món này nên ăn ngay sau khi rán. Tránh ăn nguội trứng dễ bị tanh.
- Món trứng rán ngải cứu cực kỳ thơm ngon, đậm đà. Vị đắng đắng, ngọt ngọt của ngải cứu, béo ngậy thơm lừng của trứng kết hợp với nhau sẽ tạo nên một món ăn ngon hết ý.
Bạn có thể dùng kèm với cơm nóng hoặc làm món nhậu khi uống bia cũng cực kỳ đã đấy. Với cách làm này đảm bảo bạn sẽ có món trứng rán ngon chẳng kém ngoài hàng.
Làm thế nào để ngải cứu hết đắng?
Ngải cứu có vị đắng rất đặc trưng, muốn loại rau này giảm bớt vị đắng, bạn có thể áp dụng mẹo nhỏ sau:
- Ngải cứu mua về rửa sạch rồi loại bỏ phần thân già.
- Rửa ngải cứu thật sạch để cho ráo nước.
- Bắc nồi nước, thêm vào đây 1 thìa nhỏ baking soda.
- Nước sôi, thả ngải cứu vào chần sơ đợi sôi lại thì vớt ra.
Bằng cách này, khi chế biến ngải cứu sẽ bớt đi phần nào vị đắng.
Khi không ăn hết, bạn có thể vắt sạch nước trong rau ngải cứu rồi cho vào túi kín.
Buộc chặt miệng túi và bỏ vào ngăn đá của tủ lạnh. Khi cần dùng, chỉ cần rã đông là có thể chế biến như thường. Với cách bảo quản trên, rau ngải cứu sẽ để được lâu hơn so với những phương pháp thông thường.
Một số lưu ý khi ăn ngải cứu
- Mặc dù được chứng minh là tốt cho sức khỏe thế nhưng loại rau quý này cũng có thể gây ra tác dụng phụ.
Việc ăn quá nhiều loại rau này dễ gây ra ngộ độc khiến bạn phải đối mặt với co giật, chân tay run lẩy bẩy…thậm chí bệnh nặng còn làm tổn thương tế bào não.
- Chỉ nên ăn các món từ ngải cứu khoảng 1 - 2 lần mỗi tuần. Tránh ăn hoặc uống nước ngải cứu trong 1 thời gian dài.
- Nếu là người mắc bệnh gan, người mang thai 3 tháng đầu hoặc mắc chứng rối loạn đường ruột thì tránh ăn loại rau này.