Ông Đào Trường Thi - Giám đốc BHXH huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, tính đến 31/8/2022, BHXH huyện Quế Võ đang quản lý 1.911 người tham gia BHXH tự nguyện, con số này đã giảm 352 người so với cuối năm 2021.
Thực tế, toàn huyện phát triển mới được 533 người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên đã có 219 người dừng tham gia và chuyển đóng BHXH bắt buộc 666 người.
Theo ông Thi, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở Quế Võ gặp nhiều khó khăn là do huyện có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nơi tập trung phần đông những người trong độ tuổi lao động của địa phương vào làm việc.
Do đó, người trong độ tuổi lao động thì đã tham gia BHXH bắt buộc hết, số còn lại là người già, người không được đào tạo nghề mà làm nghề tự do với thu nhập thấp nên không có điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, nhiều lao động chính trong các gia đình mất việc làm, hoặc việc làm bấp bênh theo mùa vụ, thu nhập không ổng định.
Nhiều người đã tham gia BHXH tự nguyện nhưng không đủ điều kiện kinh tế nên việc đóng tiền thường bị ngắt quãng hoặc dừng hẳn.
Trong thời gian 3 tháng cuối năm 2021, cùng với việc hướng dẫn người lao động gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã nghỉ việc làm hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, BHXH huyện đã tích cực vận động người lao động tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện ở mức thu nhập thấp để duy trì thời gian tham gia.
Tuy nhiên khi có việc làm, quay lại thị trường lao động thì họ chuyển đóng BHXH bắt buộc.
Theo ông Thi, thời gian qua, trên địa bàn huyện Quế Võ cũng có nhiều lao động rút BHXH một lần.
Nhiều người trong số này là lao động đi làm công nhân tại các doanh nghiệp trở về địa phương. Đây là những lao động đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc ở các công ty, có nhiều người đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc gần 10 năm. Họ mất việc vì Covid-19 nên đã quay về địa phương và nhiều người khó khăn nên đã rút BHXH một lần.
Chỉ tính từ tháng 01/2022 đến 31/8/2022, đã có hơn 1.320 trường hợp người lao động đến BHXH huyện làm thủ tục hưởng BHXH một lần.
Cán bộ BHXH huyện Quế Võ khi tiếp nhận hồ sơ đã giải thích, tư vấn, vận động họ tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để sau này được hưởng lương hưu và các chế độ khác.
Nhiều người dù rất muốn giữ lại sổ BHXH để dành sau này nhận lương hưu, nhưng từ khi nghỉ việc đến nay vẫn chưa kiếm được việc làm mới để có thu nhập trong khi đó có nhiều thứ phải chi tiêu nên họ quyết định rút BHXH một lần để lo cho gia đình trong thời điểm khó khăn.
Có người còn đắn đo về lợi ích giữa việc đóng BHXH tự nguyện với việc gửi tiền tiết kiệm, hoặc đầu tư sản xuất kinh doanh nên họ từ chối tham gia BHXH tự nguyện mà chọn hưởng chế độ BHXH một lần.
Biết rõ được các đặc điểm, khó khăn của người lao động trên địa bàn, thời gian qua, BHXH huyện Quế Võ đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển, mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện bằng những giải pháp thiết thực.
BHXH huyện đã tham mưu với Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của huyện ban hành Quyết định giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình năm 2022 cho từng xã, thị trấn trên cơ sở đó các xã, thị trấn giao cho các xóm, tổ dân phố và chỉ tiêu này là một trong những chỉ tiêu để đánh giá thi đua cho các xã, thị trấn vào cuối năm.
Căn cứ vào Quyết định giao chỉ tiêu của huyện, cơ quan BHXH đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo đến từng trưởng xóm, tổ trưởng dân phố phối hợp với nhân viên thu BHXH, BHYT của xã định kỳ tháng, quý có kế hoạch tổ chức hội nghị tuyên truyền tại nhà văn hóa của các xóm, thôn;
Chủ động sàng lọc trên hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu Hộ gia đình những người chưa tham gia BHXH, BHYT lập danh sách người tham gia tiềm năng; trực tiếp tư vấn nhóm người lao động đến cơ quan BHXH huyện thanh toán BHXH một lần, nhóm hưởng các chế độ ngắn hạn như người hưởng trợ cấp thai sản, trợ cấp thất nghiệp, hưởng trợ cấp khó khăn từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp…
Từ dữ liệu cơ quan BHXH huyện gửi, Tổ chức dịch vụ thu phối hợp với trưởng thôn, xóm nắm bắt được các đối tượng tiềm năng, sau đó đến từng gia đình tuyên truyền theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà.
Ngoài ra, BHXH huyện cũng hướng tới truyền thông nhóm nhỏ, từ 10-20 người để có thể trả lời cụ thể những vấn đề mà người dân muốn hỏi, nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
"Đặc biệt đối tượng hướng tới là người lao động ở khu vực thị trấn, những người làm tiểu thương, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có trang trại, có thu nhập ổn định...Sau mỗi buổi tuyên truyền chúng tôi rút kinh nghiệm và cô đọng lại, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân để làm tốt hơn cho những lần sau", ông Thi cho biết.
Ông Thi cho biết, bằng việc tuyên truyền mưa dầm thấm lâu, giúp người dân hiểu được lợi ích, giá trị của chính sách BHXH, ông hy vọng thời gian tới, người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn sẽ gia tăng.