Bộ GDĐT vừa thông tin về kết quả đánh giá luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh từ Hội đồng thẩm định. Luận án này từng gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn hồi tháng 5/2022 với các ý kiến cho rằng chưa xứng tầm.
Bộ GDĐT đã mời 3 chuyên gia thẩm định luận án. Kết quả cho thấy, 2 trong số 3 chuyên gia yêu cầu nghiên cứu sinh sửa lại nhiều nội dung của luận án; chuyên gia còn lại đánh giá luận án không đạt yêu cầu, nghiên cứu sinh cần làm lại và bảo vệ lại. Kết quả thẩm định nói trên đã được Bộ GDĐT gửi về cơ sở đào tạo để xử lý theo đúng thẩm quyền.
Trên các diễn đàn, ngoài các ý kiến đồng tình, ủng hộ việc hậu kiểm và kết quả thẩm định đối với luận án gây nhiều tranh cãi, một số ý kiến khác cũng đặt ra câu hỏi: "Liệu có còn những luận án tiến sĩ khác tương tự luận án cầu lông? Hướng xử lý như thế nào?".
Việc hậu kiểm không có nhiều ý nghĩa ngay cả khi kết luận là không đạt
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, GS.TSKH (Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học) Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam chia sẻ, chỉ cần nhìn vào tên luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức tỉnh Sơn La", có thể thấy ngay đây là một đề tài "chỉ xứng tầm một luận án tốt nghiệp đại học".
Theo GS Trung, đối với một luận án tiến sĩ, tiêu chuẩn cao nhất bao giờ cũng là đem lại kiến thức mới, có ý nghĩa phổ quát về mặt khoa học hoặc thực tiễn. Điều này cần sự công nhận của cộng đồng chuyên môn không những trong nước mà cả trên thế giới. Với luận án "tiến sĩ cầu lông", những yếu tố trên không có.
"Theo quan điểm của tôi, việc hậu kiểm luận án "tiến sĩ cầu lông" không có nhiều ý nghĩa, không giải quyết được vấn đề nào cả, ngay cả khi kết luận là không đạt. Bởi còn vô vàn những luận án tầm thường như vậy từ nhiều năm nay.
Ngay tại cơ sở đào tạo đó cũng có thể tìm thấy những luận án tương tự. Hay trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có nhiều luận án chỉ là những báo cáo về quá trình chuyển biến kinh tế xã hội của một địa phương. Các luận án này có tên giống hệt nhau, áp dụng từ tỉnh này sang tỉnh khác", GS Trung nhận định.
Ông nhấn mạnh, khi con số luận án đáng ngờ đã lên đến hàng trăm, chúng ta không thể xử lý theo cách trên. Hậu kiểm luận án "cầu lông" chỉ là cách đối phó với dư luận, không giải quyết được tận gốc của vấn đề.
"Đây là cách hành xử có phần vô trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu đã hậu kiểm, phải hậu kiểm những cơ sở đào tạo có những luận án có vấn đề để có những biện pháp chỉnh đốn, thậm chí đình chỉ đào tạo tiến sĩ vì sai phạm có hệ thống", ông nói.
GS Trung nêu quan điểm, điều cần làm là tìm ra nguyên nhân tại sao có những luận án như vậy để sửa quy trình đào tạo tiến sĩ, thay vì hậu kiểm một vài luận án.
Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục có những luận án tương tự luận án "cầu lông" nếu không có tiêu chuẩn cứng, không chỉ cho nghiên cứu sinh mà cho cả người thầy hướng dẫn và cơ sở giáo dục, nhằm đảm bảo chất lượng luận án tiến sĩ theo thông lệ quốc tế.
"Chúng ta đang trả giá cho những chuẩn mực dễ dãi về chất lượng luận án trong quy chế đào tạo tiến sĩ nhiều năm qua. Nếu thầy hướng dẫn và hội đồng cũng được đào tạo theo tiêu chuẩn tương tự như "luận án tiến sĩ cầu lông", tất nhiên họ thấy luận án như vậy là ổn. Sau nhiều thế hệ thì chuẩn mực khoa học nói chung sẽ xuống cấp trầm trọng, thật giả lẫn lộn trong toàn xã hội", GS Trung nói.
Cần "tiêu chuẩn cứng" là công bố quốc tế trên tạp chí uy tín
Theo GS.TSKH Ngô Việt Trung, tiêu chuẩn cứng cần có trong đào tạo tiến sĩ là luận án phải có công bố hoặc bài báo nhận đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín để có sự kiểm định khách quan từ bên ngoài cơ sở đào tạo. Đây là thông lệ ở nhiều nước, nhất là ở các nước có trình độ khoa học còn thấp như nước ta.
Cần nhấn mạnh yêu cầu tạp chí quốc tế uy tín vì trên mạng có vô vàn những tạp chí mang danh quốc tế, chỉ cần bỏ tiền ra là được đăng bài, chất lượng công bố không đảm bảo về mặt khoa học.
"Những năm 1980, tôi đã chứng kiến những người đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ trong nước. Tất cả họ đều có công trình khoa học xứng tầm quốc tế.
Trong ngành Toán của tôi, những người làm luận án tiến sĩ thời kỳ đó đều cần có công bố quốc tế mới được bảo vệ, bởi mọi người đều nhìn vào những tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài để so sánh. Không thể hạ thấp chuẩn mực luận án để có nhiều tiến sĩ trong hệ thống đào tạo", GS Trung chia sẻ.
Bên cạnh tiêu chuẩn công bố quốc tế, ông cũng cho rằng nên có những biện pháp tương đối cứng rắn đối với cơ sở đào tạo hoặc đối với hội đồng khi phát hiện những trường hợp làm không khách quan, không đi theo các chuẩn mực đào tạo tiến sĩ thông thường.
"Vấn đề ở đây chỉ là Bộ GDĐT có quyết tâm đưa ra những chuẩn mực cứng để bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ hay không", ông nói.
GS Trung cho hay, Quy chế đào tạo tiến sĩ mới năm 2021 đã bỏ yêu cầu công bố quốc tế của quy chế trước đó mới ban hành được vài năm. Có ý kiến cho rằng, đó là do áp lực của một số cơ sở vì không đào tạo được nhiều tiến sĩ như trước.
Tại Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021 đang áp dụng, Bộ GDĐT giải thích chỉ "đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các ngành" theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
GS.TSKH Ngô Việt Trung nhấn mạnh, về mặt lâu dài, tự chủ khoa học là chuyện hiển nhiên phải làm. Tuy nhiên, quyền tự chủ chỉ có hiệu quả trong một xã hội mà sự liêm chính lấn át được cái xấu. Liêm chính khoa học chưa đứng vững trong xã hội, nên chúng ta cần phải có những tiêu chuẩn cứng để đảm bảo khoa học phát triển một cách lành mạnh.
"Theo tôi, Bộ GDĐT cần sửa đổi lại Quy chế 2021 theo hướng nâng cao các chuẩn đầu ra tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Nếu không thay đổi thì chúng ta sẽ có thêm nhiều "tiến sĩ cầu lông", thậm chí tinh vi hơn vì họ sẽ đổi tên luận án chứ nội dung vẫn tương tự như trước", GS Trung nêu quan điểm.