Trong thư gửi Hội đồng Bảo an, ông Guterres không gợi ý rằng Liên Hợp Quốc sẽ đóng vai trò triển khai lực lượng này. Thay vào đó, ông cho rằng Hội đồng Bảo an nên hoan nghênh sự tồn tại một lực lượng như vậy,
Đồng thời, ông cho biết ông có thể thúc đẩy Liên Hợp Quốc hỗ trợ các thỏa thuận ngừng bắn hoặc nhân đạo và đảm bảo phối hợp với một lực lượng quốc tế, Reuters đưa tin hôm 9/10.
Ông Guterres cho biết lực lượng hành động nhanh "sẽ đặc biệt hỗ trợ HNP (Cảnh sát Quốc gia Haiti) chủ yếu ở khu vực đô thị thủ đô Port-au-Prince trong việc đảm bảo vận chuyển nước, nhiên liệu, thực phẩm và vật tư y tế từ các cảng chính, sân bay tới người dân và các cơ sở chăm sóc sức khỏe".
“Để đạt được mục tiêu này, lực lượng sẽ hỗ trợ HNP loại bỏ các mối đe dọa do các băng nhóm vũ trang gây ra và bảo vệ kịp thời các cơ sở hạ tầng, dịch vụ quan trọng”, ông viết.
Theo ông Guterres, cần một quốc gia giữ vai trò lãnh đạo lực lượng hành động nhanh và lực lượng này "sẽ giải tán dần khi HNP giành lại quyền kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng quan trọng và bắt đầu khôi phục an ninh, tự do đi lại".
Trước đó, chính phủ Haiti cho biết đã ủy quyền cho Thủ tướng Ariel Henry kêu gọi "đối tác quốc tế" hỗ trợ "lực lượng vũ trang chuyên biệt" để đối phó với "nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn", theo BBC.
Mục tiêu là “đạt được một môi trường an toàn để có thể chống lại bệnh tả một cách hiệu quả, thúc đẩy việc nối lại phân phối nhiên liệu và nước uống trên toàn quốc, hoạt động của bệnh viện, khởi động lại hoạt động kinh tế, sự lưu thông tự do của người dân và hàng hóa, và mở cửa trở lại trường học”, theo một nghị quyết của chính phủ.
Hôm 8/10, Mỹ cho biết họ đang xem xét yêu cầu của Haiti.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã được triển khai tới Haiti vào năm 2004 sau khi cuộc nổi dậy chống lại tổng thống Haiti khi đó là ông Jean-Bertrand Aristide nổ ra.
Sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc rút khỏi nước này vào năm 2017, cảnh sát Liên Hợp Quốc đã được triển khai thay thế. Lực lượng này cũng rút khỏi Haiti vào năm 2019.