Ông Lê Trương Phúc Thuận, đại diện Hợp tác xã Châu Á Thái Bình Dương cho biết, hợp tác xã được thành lập với 11 thành viên, sản phẩm chủ lực là cá dĩa các loại.
Theo Chi cục Thủy sản TP.HCM, vai trò của các hội, chi hội cá cảnh thời gian qua còn nhiều hạn chế. Hội viên phân tán và sau đó bị giải tán. Điều này ảnh hưởng đến việc phát huy sức mạnh thực sự của các nghệ nhân, các nông dân có tâm huyết với cá cảnh TP.HCM.
Hợp tác xã sinh vật cảnh Châu Á Thái Bình Dương đi vào hoạt động sẽ liên kết các thành viên, góp phần vào việc tổ chức lại khâu sản xuất cá cảnh, thúc đẩy nghề cá cảnh TP.HCM phát triển ổn định, vững chắc.
Tại TP.HCM, trong bối cảnh các hợp tác xã sản xuất nhiều lĩnh vực khác phát triển tốt với thành viên đông đảo thì hợp tác xã cá cảnh còn ít, hoạt động chưa hiệu quả. Số hộ nuôi cá cảnh được tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố còn hạn chế.
Cá cảnh là sản phẩm tiềm năng của nông nghiệp TP.HCM. Việc thúc đẩy nghề cá cảnh là chủ trương của TP.HCM, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ông Lê Trương Phúc Thuận cho rằng, lĩnh vực cá cảnh TP.HCM luôn dẫn đầu cả nước ở nhiều năm qua. Khắc phục khâu liên kết sản xuất, sẽ góp phần phát triển nghề cá cảnh TP.HCM ngày càng vững mạnh.