Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi ghé thăm trang trại tổng hợp của vợ chồng bà Lê Thị Lợi (SN 1959, ở thôn Tân Xuân 2, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).
Vừa hái mấy cây măng ngoài vườn vào, bà Lợi đón chúng tôi bằng nụ cười tươi và ấm chè xanh đặc trưng vùng đất Cam Lộ. Người ngoại tỉnh đánh giá con người Quảng Trị chất phác nghĩa tình, còn người Quảng Trị đánh giá cái chất nghĩa tình, chất phác con người Cam Lộ là bậc nhất. Bà Lợi thể hiện đúng như lời khen đó.
Dẫn chúng tôi thăm trạng trại tổng hợp dưới những tán cao su xanh mát, bà Lợi cho biết, để trang trại có hình hài tươi đẹp, thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm như ngày nay, gia đình bà luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Agribank huyện Cam Lộ.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, từ nguồn vốn vay Agribank, nhiều nông dân trên địa bàn đã có vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. "Phải khẳng định rằng, huyện Cam Lộ đạt được những thành tựu đáng kể có sự góp công, góp sức của Agribank" - ông Tuấn nói.
Bà Lợi kể, năm 1981, bà lập gia đình. Khi cưới nhau, vợ chồng bà chỉ có vỏn vẹn một cái giường tre, một cái màn và bộ quần áo mặc trên người, ở nhà trọ tập thể của nông trường cao su. Cuộc sống vợ chồng càng cơ cực hơn khi hai đứa con lần lượt ra đời vào năm 1982 và 1989.
Làm lụng chắt bóp, năm 1991, vợ chồng bà Lợi mới dựng được căn nhà nhỏ, đơn sơ. Chẳng lẽ cứ chấp nhận cuộc sống khó khăn mãi hay sao? Câu hỏi đó thôi thúc vợ chồng bà Lợi tìm cách làm ăn. Đất đai có rồi, nhưng tiền đâu để trồng trọt, chăn nuôi.
Thấu hiểu nỗi trăn trở ấy, có người đã động viên, hướng dẫn vợ chồng bà đến Agribank Cam Lộ vay vốn. Số tiền đầu tiên bà Lợi vay là 5 triệu đồng vào năm 1991 để trồng tiêu trong vườn nhà. Nhờ chăm chỉ làm lụng, trả nợ vay đúng hạn, bà Lợi tiếp tục được Agribank Cam Lộ cho vay nhiều lần khác để trồng cao su, cây ăn quả…
Từ năm 2017, bà Lợi mạnh dạn vay Agribank Cam Lộ số tiền lớn hơn để đầu tư chuồng trại nuôi từ 2.000 đến 6.000 con gà/lứa (mỗi năm 3 lứa), 100 con lợn thịt (mỗi năm 2 lứa), trồng 2ha cây ăn quả, nuôi 0,7ha cá.
Bà Lợi cho biết, sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại tổng hợp đem lại cho bà thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình bà mua được ôtô, nuôi con ăn học, có công việc ổn định.
"Vợ chồng tôi muốn mở rộng chăn nuôi nhưng thấy cha mẹ lớn tuổi mà vẫn cặm cụi làm việc, thức đêm thức hôm nên các con can ngăn, dứt khoát không đồng ý, có khi còn giục nghỉ ngơi. Nhưng quả thật, làm nông luôn chân luôn tay quen rồi, càng làm càng say mê, khó mà nghỉ lắm" -bà Lợi vừa cân lợn bán vừa cười nói với mọi người.
Vừa là khách hàng, vừa là bạn
Ở thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, nhắc đến ông Nguyễn Trưng Vương (SN 1971), nhiều người trầm trồ, khen ngợi, xem là tấm gương để học tập.
Tiếp chúng tôi trước cổng trang trại nuôi lợn mỗi lứa 3.000 con của mình, ông Vương cười tươi, gãi đầu tỏ ý áy náy: "Vì đảm bảo phòng dịch bệnh nên chúng ta chỉ có thể đứng đây nhìn từ xa thôi. Nếu muốn vào trong phải sát khuẩn, ở phòng riêng vài ngày mới có thể vào bên trong. Giờ tôi mở camera chúng ta cùng xem lợn trên điện thoại".
Ông Vương cho biết, công nhân nuôi lợn cũng ở trong khu vực khép kín, rất ít khi ra ngoài. Là chủ trại lợn quy mô lớn nhưng bản thân ông cũng phải tuân thủ quy trình phòng dịch nghiêm ngặt. Hầu như ông Vương chỉ vào trong trại khi xuất bán lợn, sau đó nhận tiếng "ting ting" trong điện thoại khi tiền đổ về tài khoản. Việc còn lại có công nhân lo, ông chỉ quản lý qua camera giám sát, kết nối với điện thoại.
"Nông dân chuyên nghiệp, nông dân thời @, thời đại 4.0 là phải áp dụng công nghệ vào việc điều hành, quản lý. Nhiều diễn đàn đã chỉ rõ, hướng dẫn cho nông dân, báo chí, truyền thông cũng đưa tin" - ông Vương chia sẻ.
Nhớ lại lúc mới lập trang trại, ông Vương cho hay, cơ duyên gặp được người có chuyên môn nuôi lợn, gia đình có sẵn đất đai, thế là đôi bên hợp tác làm ăn, liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm. Dốc vốn liếng của gia đình và vay Agribank Cam Lộ 1,2 tỷ đồng, ông Vương góp cổ phần, xây dựng trại lợn. Vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên ông chỉ mới nuôi đến lứa thứ tư, mỗi lứa 3.000 con. Khi xuất bán, mỗi con lợn nặng khoảng 1,2 tạ. Sau khi trừ chi phí, ông Vương lãi 1,1 tỷ đồng/lứa lợn.
Theo đà thuận lợi này, mỗi năm nuôi 2 lứa, ông Vương sẽ có lãi khủng từ nuôi lợn liên doanh liên kết với doanh nghiệp. Chưa kể, ông Vương còn có thu nhập từ hàng chục ha cao su, tràm keo, hồ cá, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nói về sợi dây liên kết giữa Agribank với bản thân, ông Vương cho biết, không chỉ cho vay, cán bộ, nhân viên ngân hàng còn thường xuyên thăm hỏi, động viên như người bạn tâm giao. "Ngoài mối quan hệ ngân hàng với khách hàng, chúng tôi còn chia sẻ với nhau chuyện vui buồn, việc hiếu hỷ cũng có mặt nhau, sợi dây liên kết ấy càng khiến tôi yêu Agribank hơn bao giờ hết. Tôi đang đợi anh em Agribank Cam Lộ rảnh rỗi để làm tiệc nhỏ, mừng ôtô mới mua" - ông Vương chia sẻ.