Sống cách sân bay Tempelhof ở Berlin không xa, ông Peter Engelke đã phải xây cổng an ninh mới tại nhà kho do lo ngại bị ăn trộm. Tài sản “quý” mà ông bảo vệ chính là củi.
Hành động của ông Engelke đã phản ánh nỗi lo của ngày càng nhiều người dân khắp châu Âu, khi lục địa này phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng vào mùa đông năm nay.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Praha hôm 7/10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) không đồng tình với việc áp giá trần với khí đốt, trong bối cảnh lo ngại động thái này có thể đe dọa nguồn cung khu vực.
Khoảng 70% hệ thống sưởi của châu Âu đến từ khí đốt tự nhiên và điện. Khi nguồn cung từ Nga giảm đáng kể, gỗ - vật liệu được khoảng 40 triệu người dùng để sưởi ấm - đã trở thành mặt hàng được săn lùng, theo Bloomberg.
ỞPháp, giá viên nén gỗ đã tăng gần gấp đôi, lên 600 euro/tấn. Nước này cũng có dấu hiệu nhiều người mua sắm hoảng loạn loại nhiên liệu cơ bản nhất thế giới này,
Thậm chí, Hungary còn cấm xuất khẩu viên nén gỗ, trong khi Romania giới hạn giá củi trong sáu tháng. Người mua bếp củi có khi phải đợi hàng tháng mới nhận được hàng.
Bên cạnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt, cuộc khủng hoảng năng lượng đã đẩy phí sinh hoạt lên cao, với lạm phát khu vực đồng euro lần đầu tiên chạm mức hai con số vào tháng 9. Các hộ gia đình có kinh tế khó khăn đối mặt với nguy cơ lựa chọn sưởi hay dùng các thiết bị thiết yếu khác.
CNBC đưa tin theo dữ liệu được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 30/9, lạm phát của khu vực đồng tiền chung euro đã lập đỉnh mới 10% trong tháng 9, tăng từ mức 9,1% hồi tháng 8 và vượt dự báo 9,7%.
Giá năng lượng tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng từ 38,6% trong tháng 8. Chỉ số giá của nhóm thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 11,8%, cao hơn mức 10,6% của tháng trước.
“Giống như việc quay lại ngày xưa, khi mọi người không sưởi ấm cả căn nhà”, Nic Snell - Giám đốc điều hành tại Certainly Wood - nói. “Họ sẽ ngồi quanh đống lửa và tận dụng sức nóng từ bếp, hoặc đốt lửa rồi đi ngủ. Mùa đông này sẽ có nhiều cảnh tượng như vậy hơn nữa”.
Xu hướng này kéo theo sự bùng nổ nhu cầu dùng mặt hàng của Gabriel Kakelugnar AB - nhà sản xuất lò sưởi cao cấp có giá trung bình 7.700 USD/chiếc. Loại lò sưởi này có thể giữ ấm căn phòng trong 24 giờ vì cấu tạo phức tạp, giúp giữ và phân phối nhiệt.
“Trong thời kỳ đại dịch, mọi người đầu tư nhiều hơn cho ngôi nhà của họ. Nhu cầu này giờ còn lớn hơn nữa”, Jesper Svensson - chủ sở hữu và giám đốc điều hành công ty nằm cách lò phản ứng hạt nhân lớn nhất Thụy Điển chưa đầy một giờ lái xe - chia sẻ.
Đơn đặt hàng tăng gấp 4 lần, trong khi khách hàng phải đợi tới tận tháng 3/2023 mới có hàng, so với thời gian 4 tuần chỉ 1 năm trước.
Đối với nhiều người châu Âu, mối quan tâm chính là làm bất cứ điều gì có thể để giữ ấm trong những tháng tới. Nỗi lo ngày càng cấp bách hơn khi cái lạnh mùa đông đến gần, và sự tuyệt vọng do thiếu sưởi có thể gây ra vấn đề về sức khỏe và môi trường.
“Chúng tôi lo ngại mọi người sẽ đốt mọi thứ có thể”, Roger Sedin - người đứng đầu bộ phận chất lượng không khí tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển - cho biết. “Mức độ ô nhiễm sẽ rất cao khi mọi người không đốt gỗ đúng cách”.
Ông nói thêm các vật chất dạng hạt có thể đi sâu vào phổi và gây ra đau tim, đột quỵ và hen suyễn, và nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực thành thị.
“Bạn cần nghĩ cho hàng xóm của mình”, ông Sedin nói.
Việc thiếu kinh nghiệm trong đốt các loại nhiên liệu cũng xuất hiện ở Đức, khi nhiều cơ quan phải giải quyết rất nhiều yêu cầu nối bếp lò mới và cũ, đồng thời có khách hàng hỏi về đốt phân ngựa và các loại nhiên liệu khác.
Ngoài ra, tại Pháp, Frederic Coirier - giám đốc điều hành của Poujoulat SA, công ty sản xuất ống khói và nhiên liệu gỗ - cho biết một số khách hàng đã mua hai tấn viên nén gỗ, trong khi thông thường chỉ cần dưới một tấn là đủ sưởi ấm cho một nhà trong cả năm.
“Mọi người đang lùng sục gỗ và mua nhiều hơn bình thường”, Trond Fjortoft - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty bán gỗ Na Uy Kortreist Ved - cho biết. “Thường thì (mọi người mua gỗ) khi trời lạnh, nhưng năm nay mọi người bắt đầu từ tháng 6”. Bloomberg lý giải đây là khoảng thời gian Nga giảm nguồn cung khí đốt.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, vào đầu cuộc xung đột, khí đốt từ Nga chiếm 40% tổng nhập khẩu, giờ giảm xuống chỉ còn khoảng 9%, New York Times đưa tin hôm 7/9.
Tại Berlin, cuộc khủng hoảng tạo ra những hệ quả đáng lo ngại giống như hồi Thế chiến II. Khi đó, với nguồn cung nhiên liệu thiếu hụt, người dân đã chặt gần như mọi thân cây trong công viên trung tâm Tiergarten để sưởi ấm.
Mặc dù hiện tại, người dân Berlin không còn hành động tiêu cực như vậy nữa, lo ngại về việc sưởi ấm ra sao trong mùa đông tới vẫn lan rộng. Ông Engelke không chỉ thiết lập thêm cổng an ninh để bảo vệ các khúc gỗ, viên than và dầu nóng, mà còn phải ngừng nhận khách mới.
“Chúng tôi đang rất lo lắng về mùa đông này”, ông nói.