Nếu nhắc đến "Tứ đại mỹ nhân" Trung Quốc thì hầu như ai cũng biết đó là: Tây Thi, Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân và Dương Quý Phi. Trái lại, 4 người phụ nữ xấu xí nhất trong lịch sử Trung Quốc vẫn là khái niệm xa lạ với không ít người. Họ được gọi là "Tứ đại xú nữ". Tuy nhiên, nhờ ăn ở hiền đức nên dù có vẻ ngoài xấu xí, những người phụ nữ này vẫn có được hôn nhân viên mãn.
Trung Quốc ngày nay vẫn có câu ví von "Xấu như Chung Vô Diệm", ý rằng Chung Vô Diệm đã xấu nhất rồi, không ai xấu hơn được nữa. Nhưng thật ra, người đứng đầu danh sách "xú nữ Trung Hoa" phải là Mô Mẫu. Quyển "Tứ tử giảng đức luận" của Vương Tứ Uyên đời Hán miêu tả bà như sau: "Mô Mẫu người lùn tịt, mặt rỗ chằng chịt". Thế nhưng, bà lại trở thành vợ của Hiên Viên Hoàng Đế, một vị Thánh vương thời cổ đại, người được coi là thuỷ tổ của dân tộc Trung Hoa.
Hoàng Đế kết hôn với Mô Mẫu bởi lòng nhân ái và đức hạnh của bà. Hoàng Đế rất tín nhiệm bà, giao cho bà cai quản hậu cung, còn nhiều lần ca tụng, ngợi khen bà vì đức độ.
Tên thật của Chung Vô Diệm là Chung Ly Xuân sống ở thời Chiến Quốc, sử sách ghi lại rằng tới năm 40 tuổi mà bà còn chưa lấy được chồng bởi dung mạo "xấu xí vô song" của mình. Người đời tả Chung Ly Xuân "đầu to còn lõm, mái tóc lưa thưa, hai mắt hõm sâu, mũi hếch vểnh lên trên, yết hầu to hơn nam giới, làn da vừa đen vừa đỏ".
Thế nhưng cô gái xấu xí này lại là một người con gái tài giỏi, quan tâm đến quốc sự, từng một mình tìm đến yết kiến Tề Tuyên Vương chủ trương "giải tán tiệc tùng, ngưng nhạc nữ, dẹp bỏ bọn xu nịnh, tiếp thu lời ngay thẳng, chọn binh mã, quản lý quốc khố".
Tề Tuyên Vương nghe thấu thì vô cùng cảm động, bèn triệu nàng về cung lập chánh hậu. Được sự giúp đỡ của Chung Vô Diệm mà nước Tề sau đó đã trở nên hùng mạnh, trong thời Tề Tuyên Vương tại vị, không có nước nào đến xâm phạm. Bà trở thành những vị vương hậu được triều đình trân trọng và tôn kính.
Tương truyền, Mạnh Quang là một người phụ nữ xấu xí với dáng người to béo, da ngăm đen, thậm chí nàng còn khoẻ ngang đàn ông khi bê nổi cả một cối đá. Nàng lấy Lương Hồng, một người nổi danh về trí tuệ. Có rất nhiều con gái nhà danh giá muốn gả cho Lương Hồng, ông đều từ chối và chỉ lấy Mạnh Quang về làm vợ.
Sử xưa kể lại, mỗi lần Lương Hồng đi làm về, Mạnh Quang đều dâng mâm cơm lên cao tới ngang mày để thể hiện lòng kính trọng với chồng. Có sách ghi rằng, về sau hai vợ chồng bà đã lên núi ở ẩn, chồng cày cấy, vợ dệt vải, ngày ngày ngâm thơ đàn hát, sống cuộc sống thanh bần mà hạnh phúc mãi về sau.
Hứa Doãn thời Đông Tấn cưới con gái của Nguyễn Đức Úy làm vợ, trong đêm động phòng hoa chúc phát hiện ra dung mạo của con gái nhà họ Nguyễn thô thiển xấu xí, bèn vội vàng bỏ chạy ra khỏi phòng, từ đó không bao giờ chịu bước chân vào nữa.
Tuy nhiên, trong lần ngồi lại bên vợ, Hứa Doãn có hỏi Nguyễn Thị rằng: "Trong tứ đức thì nàng có mấy đức?". Nguyễn Thị trả lời: "Thiếp chỉ thiếu đức dung". Sau đó, Nguyễn thị liền hỏi lại Hứa Doãn: "Người quân tử có 100 đức, chàng có được bao nhiêu đức?". Hứa Doãn trả lời: "Ta có đủ 100 đức". Nguyễn Thị nói: "Trong một trăm đức, chữ đức đứng đầu. Chàng ham sắc mà khinh tài, vậy có thể coi là đủ một trăm đức không?", Hứa Doãn xấu hổ không nói được gì và từ đó về sau chàng yêu mến và quý trọng vợ hơn.