Thời gian gần đây dư luận phản ứng gay gắt với các khoản đóng góp xã hội hóa. Có thể kể đến các vụ như quỹ lớp lên tới gần 300 triệu đồng/năm/học sinh ở lớp 9/12 trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM. Bảng dự chi năm học 2022-2023 với 32 hạng mục, tổng số tiền dự chi hơn 270 triệu đồng, trong đó mỗi học kỳ 1 và 2 dự chi hơn 135 triệu đồng.
Trong 32 hạng mục mà hội phụ huynh lớp 9/12 đưa ra, khoản chi chụp ảnh kỷ yếu cho 33 học sinh là 59,4 triệu đồng, mỗi học sinh 1,8 triệu đồng. Riêng hạng mục văn nghệ 20/11 là 25 triệu đồng.
Có 2 hạng mục với mức chi 20 triệu đồng là liên hoan học kỳ 1 và liên hoan học kỳ 2, tiệc tri ân. Một số hạng mục khác như chi cho giáo viên bộ môn 16 triệu đồng, ngày lễ tri ân tốt nghiệp 14,8 triệu đồng, áo lớp 16 triệu đồng… Với sĩ số 33 học sinh, tính bình quân mỗi học sinh đóng hơn 8 triệu đồng tiền quỹ lớp.
Hoặc mới đây, Phòng GDĐT quận 7, TP.HCM cũng đã lên tiếng vụ quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh gây choáng với khoản "chăm cô".
Cụ thể tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, TP.HCM, bảng dự kiến thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp 1/3 lên đến 130 triệu. Điều đáng nói, số tiền này được chi cho học sinh rất ít ỏi, trong khi đó chủ yếu là chi để "chăm cô" và gửi phong bì các ngày lễ, tết.
Bảng dự kiến quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1 tại quận 7 gây sốc bởi các khoản "chăm cô", phong bì lễ, tết. Ảnh: PHCC
Hay một số khoản thu xã hội hóa gây bức xúc dư luận trước đó như tại Hải Phòng, một trường THPT ở quận Lê Chân đã quyên góp tiền xây trạm biến áp, phục vụ việc cấp điện cho trường với giá gần 1 tỷ đồng. Theo phản ảnh của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã đưa ra mức tổng tiền của lớp phải đóng góp. Khi chia đều cho học sinh thì mỗi em phải đóng trên 700.000 đồng.
Tại trường Tiểu học Kỳ Trinh, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh học sinh lớp 1 sẽ đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, 250.000 đồng tiền quỹ lớp và rèm cửa. Tổng cộng mỗi em phải đóng 973.000 đồng. Tương tự, hai lớp 1 khác mỗi em cũng đóng khoảng 1 triệu đồng/em.
PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội xoay quanh vấn đề gây tranh cãi về Ban phụ huynh và những khoản đóng góp đầu năm.
Theo bà Hương: "Câu chuyện này xuất phát từ các trường công lập vốn được coi là giáo dục bao cấp. Với người dân, giáo dục bao cấp nghĩa là người dân không phải đóng góp một đồng quỹ nào cả. Tuy nhiên, những khoản thu đầu năm với cái tên gọi hết sức mỹ miều là XÃ HỘI HÓA lại không hề nhỏ với các mục đích chi vô cùng không rõ ràng đã khiến người dân bức xúc.
Các khoản thu vô lý như cơ sở vật chất đôi khi được thu vài lần trong năm mà không hề có một báo cáo tài chính nào đến từ các nhà trường. Đó là chưa kể các khoản thu hỗ trợ vệ sinh, hỗ trợ bảo vệ trông giữ xe vốn đã được nhận hỗ trợ từ nhà nước lại càng khiến các phụ huynh thêm bức xúc.
Các khoản thu này với sự đồng thuận rất cao của Ban phụ huynh đã khiến cho hình ảnh người giáo viên trở nên vô cùng méo mó. Đồng thời giá trị của Ban phụ huynh giảm sút hẳn trong cộng đồng".
Bà Hương cho hay, Ban phụ huynh được sinh ra sau khi cuộc sống đã ổn định sau chiến tranh. Mục đích của Ban phụ huynh chính là tạo cầu nối giữa nhà trường và gia đình nhằm tăng cường hiệu quả trong việc giáo dục trẻ em. Từ những năm 1980, Ban phụ huynh đã phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục như tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động dã ngoại, sinh hoạt văn nghệ cho học sinh.
Cho tới thời nay, rất nhiều các Ban phụ huynh trên cả nước đã nhiều lần đứng ra tổ chức những lớp học ngoại khóa vô cùng bổ ích cho học sinh như giáo dục giới tính, rèn luyện kĩ năng ứng phó… Họ cũng chính là lực lượng nhiệt tình nhất trong công tác xây dựng tủ sách cho lớp học.
Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh mẹ tôi là trưởng Ban phụ huynh lớp tôi. Bà đã đến nhà một số học sinh cá biệt của lớp để nói chuyện, chia sẻ với các phụ huynh về các khó khăn của các cô và các vấn đề của con. Với sự trợ giúp của bà, các phụ huynh đã bớt nóng giận, tìm được cách giáo dục con hiệu quả và nhẹ nhàng. Đó cũng là một giá trị rất lớn của Ban phụ huynh lớp".
Tuy nhiên, bà cho biết hiện nay cứ nhắc đến Ban phụ huynh là mọi người phản ứng gay gắt: "Ban phụ huynh không thực sự làm đúng với mục đích ban đầu đã đề ra từ lâu. Trong suy nghĩ của mọi người thời gian gần đây, Ban phụ huynh chỉ tồn tại để thực hiện việc thu chi các khoản đóng góp của lớp dành cho lớp và nhà trường thay vì cô giáo. Đã có rất nhiều các khoản thu vô lý được hợp thức hóa bằng sức ép của Ban phụ huynh đến từng gia đình trong lớp.
Vấn đề lạm thu đã xảy ra rất nhiều năm rồi nhưng không được giải quyết triệt để khi nhà trường nhận được sự đồng thuận từ Ban phụ huynh lớp, Hội phụ huynh trường. Chính lý do này, các phụ huynh và cộng đồng ngày càng trở nên gay gắt với sự tồn tại của Ban phụ huynh.
Theo tôi, nếu việc thu chi ngoài tiền học vẫn được cho phép tiến hành ở nhà trường thì dù có Ban phụ huynh hay không, câu chuyện lạm thu sẽ vẫn diễn ra. Giải tán Ban phụ huynh sẽ bớt đi những sự mất công bằng từ phía Ban phụ huynh đem lại, làm giảm bớt áp lực thu chi. Tuy nhiên, những lớp học, đề xuất của Ban phụ huynh cho việc học tập của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Vì thế, vấn đề ở đây không phải là sự tồn tại hay xóa bỏ Ban phụ huynh. Rõ ràng nhà trường hiện nay đang là một cơ quan hoạt động hết sức méo mó, không còn giữ được các nét đẹp truyền thống của ngành giáo.
Trước những tranh cãi hiện nay, theo bà Hương, một việc vô cùng đơn giản là chúng ta hãy nghiêm túc xử lý tình trạng các hoạt động sai lệch, không theo quy định của Bộ và của Nhà nước. Nếu việc này được tiến hành triệt để, chúng ta không cần có thêm bất kể một đề xuất nào.