Dân Việt

Chậm tiến độ nhiều năm, 2 tuyến metro trọng điểm tại TP.HCM tiếp tục xin lùi thời gian hoàn thành

Hồng Trâm 11/10/2022 13:30 GMT+7
Hai dự án metro trọng điểm tại TP.HCM là dự án Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương đều đang chậm tiến độ và xin điều chỉnh thời gian hoàn thành.

Tuyến metro số 1vẫn đang vướng mặt bằng

Theo Dự thảo báo cáo Quốc hội về tiến độ triển khai hai dự án đường sắt đô thị (metro) trên địa bàn TP.HCM, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết 2 công trình trên hiện đang chậm tiến độ triển khai. Đồng thời, TP.HCM cũng xin điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành dự án, trễ hơn so tới kế hoạch đề ra.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết TP.HCM đã xin điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đến quý 4/2023, thay vì phải hoàn thành trong quý 4/2021 như kế hoạch được phê duyệt ban đầu.

Nguyên nhân được TP.HCM lý giải là vì hiện nay, khối lượng thi công đã đạt 92,19%, dự kiến cuối năm sẽ nhích lên được 93% nhưng hiện nay công tác giải phóng mặt bằng chưa xong. 

TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn tất giải phóng các công trình hạ tầng, nhà dân còn lại dọc 9 vị trí cầu bộ hành của đoạn thi công trên cao.

TP.HCM xin điều chỉnh thời gian hoàn thành 2 tuyến metro trọng điểm - Ảnh 1.

Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên xin lùi thời gian hoàn thành đến quý 4/2023. Ảnh: H.T

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cho biết về tiến độ gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố mới đạt khoảng 97,16%; gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son thực hiện đạt khoảng 99,64%; gói thầu xây dựng đoạn đi trên cao và depot thực hiện đạt khoảng 96,17%; gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng thực hiện đạt mới khoảng 82,92%.

Hiện tại, 3 gói thầu dự án chưa thực hiện là gói thầu hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty Vận hành và bảo dưỡng đường sắt đô thị, gói thầu xây dựng văn phòng công ty O&M và gói thầu tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống.

Nguyên nhân các gói thầu trên chậm là do chính quyền thành phố phải điều chỉnh thiết kế, nhà thầu khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí phát sinh, công tác giải phóng mặt bằng chậm...

Cạnh đó, công nghệ áp dụng trong lĩnh vực đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên hoàn toàn mới ở Việt Nam. Gần như phần lớn các tiêu chuẩn đã và đang áp dụng cho dự án (khoảng 3.000 tiêu chuẩn) đều tham khảo của nước ngoài, vì vậy việc xác định tiêu chuẩn tương đương hoặc đánh giá sự phù hợp các tiêu chuẩn áp dụng thường mất rất nhiều thời gian.

TP.HCM xin điều chỉnh thời gian hoàn thành 2 tuyến metro trọng điểm - Ảnh 2.

Hai dự án metro trọng điểm tại TP.HCM đang chậm tiến độ. Ảnh: H.T

TP.HCM cũng xác định khi hoàn thành dự án cũng sẽ gặp khó khăn trong công tác nghiệm thu, thử nghiệm, đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, bởi Việt Nam thiếu các tiêu chuẩn tương đương để đánh giá; gặp nhiều thay đổi về quy định pháp lý và các hướng dẫn từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Metro số 2 xin lùi thời gian về... năm 2030

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng xin điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương về năm 2030. Theo Bộ GTVT, các nguyên nhân khiến dự án liên tục chậm tiến độ là vì công tác giải phóng mặt bằng ban đầu xác định hoàn tất trong năm 2020 nhưng đến nay mới bàn giao được 85,15%. Trong đó, vướng mắc nhất là thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận 3. Hiện chính quyền TP.HCM đang chỉ đạo phấn đấu năm 2022 cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Tại dự án, ngoài gói thầu xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương đang thi công thì các gói thầu khác đang ở giai đoạn lựa chọn nhà thầu. Kế hoạch giải ngân vốn trong nước mới đạt hơn 35%, trong khi vốn ODA chỉ đạt 2,5%. Ngoài ra, công tác đấu thầu và trao thầu gói thầu chính CP3a/b (xây dựng đoạn đi ngầm) dự kiến ban đầu trao thầu vào cuối năm 2020 nhưng phải thực hiện hủy thầu để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, dẫn đến không thể trao thầu theo kế hoạch.

Một khó khăn nữa được TP.HCM nhắc đến là công tác đàm phán phụ lục hợp đồng cho các công việc phát sinh để huy động lại tư vấn IC triển khai dự án. Công đoạn này ban đầu dự kiến hoàn thành đàm phán và huy động tư vấn IC vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, tháng 3/2022, tư vấn IC đột ngột đơn phương ra thông báo kết thúc hợp đồng làm chậm tiến độ công tác cập nhật hồ sơ mời thầu, mời thầu lại các gói thầu chính của dự án (dự kiến hoàn thành vào năm 2020-2021). 

Bộ GTVT dẫn lại lý giải của TP.HCM các nguyên nhân khác như công tác lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ vay lại của dự án kéo dài... đến nay chưa hoàn thành nên dự án phải điều chỉnh thời gian hoàn thành. Được biết, dự án metro số 2 được phê duyệt với mốc thời gian ban đầu từ năm 2010 đến 2018, sau đó điều chỉnh từ năm 2021 đến 2026 và giờ đây tiếp tục xin điều chỉnh lùi về năm 2030. 

TP.HCM xin điều chỉnh thời gian hoàn thành 2 tuyến metro trọng điểm - Ảnh 3.

Công tác giải phóng mặt bằng, tư vấn đột ngột chấm dứt hợp đồng… làm ảnh hưởng tiến độ các tuyến metro. Ảnh: H.T

Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, phân tích sự chậm trễ của các tuyến metro sẽ kéo theo nhiều hệ quả. Theo đó, dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế vì càng để lâu thì tổng vốn đầu tư càng đội lên do trượt giá, tăng chi phí nguyên vật liệu, nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng. 

Thứ hai, làm chậm quá trình phát triển đô thị tại các trục đường dọc tuyến. Thực tế trên thế giới đã chứng minh, các nhà đầu tư sẽ dựa vào tiến độ triển khai của các tuyến metro để đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, dịch vụ dọc tuyến, và nguồn lợi thu được từ nguồn này có thể được dùng để xoay vốn thực hiện các tuyến metro tiếp theo. Thứ 3, làm tăng chi phí xã hội như chi phí thời gian đi lại, nhiên liệu, tai nạn giao thông...

Về trách nhiệm của các hạn chế trên, trước đó, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ GTVT khẳng định những dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại TP.HCM đều do UBND TP.HCM quyết định đầu tư. TP.HCM giao cho các Ban quản lý dự án trực thuộc thành phố làm chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc địa phương thẩm định hồ sơ thiết kế. Do đó, toàn bộ công tác chỉ đạo, điều hành trong quá trình thực hiện các dự án đều thuộc thẩm quyền của chính quyền TP.HCM.