Dân Việt

Ghi nhận ngày đầu 79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh chính thức dời về bến xe Miền Đông mới

Chinh Hoàng 11/10/2022 15:25 GMT+7
Hôm nay, 79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh ở bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) chính thức dời về bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức), lượng khách và hàng hóa vẫn còn… thưa thớt.
Chính thức 79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh dời về bến xe Miền Đông mới: Khách hàng hóa… thưa thớt - Ảnh 1.

Sáng nay (11/10) chính thức di dời 79 tuyến xe khách đợt 2 từ bến xe Miền Đông cũ quận Bình Thạnh về bến xe Miền Đông mới ở TP.Thủ Đức. Ảnh: Chinh Hoàng

Biết khó nhưng phải… chấp nhận

Một số chủ doanh nghiệp vận tải khi chuyển về bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức) cho rằng: Ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn bởi hành khách phải dùng xe trung chuyển từ bến cũ sang bến mới, kể cả hàng hóa cũng như vậy.

Chính thức 79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh dời về bến xe Miền Đông mới: Khách hàng hóa… thưa thớt - Ảnh 2.

Tài xế Nguyễn Viết Hòa (tài xế, kiêm chủ doanh nghiệp vận tải tuyến TP.HCM đi Bình Thuận) mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt ở bến xe miền Đông mới (TP.Thủ Đức). Ảnh: Chinh Hoàng

"Cánh tài xế, đặc biệt chủ doanh nghiệp vận tải biết khó khi về nơi mới. Vậy nhưng bây giờ phải học cách chấp nhận. Hy vọng thời gian tới khi vào guồng sẽ ổn định", ông Nguyễn Viết Hòa (tài xế, kiêm chủ doanh nghiệp vận tải tuyến TP.HCM đi Bình Thuận) mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt.

Chính thức 79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh dời về bến xe Miền Đông mới: Khách hàng hóa… thưa thớt - Ảnh 3.

Hành khách ở bến xe Miền Đông mới đợi xe, hôm nay theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt lượng khách và hàng hóa còn thưa thớt. Ảnh: Chinh Hoàng

Theo ông Hòa, thời gian qua các doanh nghiệp vận tải làm ăn "thất bát" bởi một phần do đại dịch Covid-19 hoành hành. Một lý do nữa khiến cánh tài xế và chủ doanh nghiệp "lao đao" vì xăng dầu đội giá liên tục. 

Chính thức 79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh dời về bến xe Miền Đông mới: Khách hàng hóa… thưa thớt - Ảnh 4.

Khách đợi mua vé ở bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức). Ảnh: Chinh Hoàng

Cụ thể, ông Hòa nói, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu thuyên giảm nhà xe của ông hoạt động trở lại. Vậy nhưng, ông Hòa buộc phải giảm chuyến giảm lương nhân viên vì lượng khách và hàng hóa không đảm bảo như trước.

Nhiều tháng hoạt động sau dịch Covid-19 tính tổng chi phí tất cả đều lỗ, ông Hòa đã từng có ý định bán bớt 1 chiếc xe để bù lỗ duy trì hoạt động cùng với trả lương cho nhân viên.

Chính thức 79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh dời về bến xe Miền Đông mới: Khách hàng hóa… thưa thớt - Ảnh 5.

Hiện trạng bên trong bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Chinh Hoàng

Thời gian gần đây, ông Hòa cùng với nhân viên của mình cố gắng cầm cự bởi xăng dầu lại đội giá. Tiền vé tuyến xe của ông Hòa không thay đổi vì đã đăng ký cố định tuyến. Đề xuất thay đổi giá vé chưa được chấp nhận.

Ông Hòa thổ lộ: "Hôm nay chính thức tuyến xe của tôi dời về nơi mới, hy vọng thời gian tới sẽ vào guồng hành khách và hàng hóa ổn định".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chung (tài xế tuyến xe Châu Pha, Bà Rịa – Vũng Tàu đi TP.HCM) tiết lộ ông bất ngờ từ khi hay thông tin tuyến xe của ông nằm trong danh sách phải di dời về bến mới. Những ngày qua, ông luôn lo lắng thấp thỏm bởi không biết về nơi mới khách và hàng hóa sẽ ra sao khi cự ly từ bến cũ đến bến mới khá xa (hơn 20km).

"Chúng tôi đã quen làm việc ở bến cũ, ở đó vui có buồn có. Mối lái làm ăn lâu nay toàn khách quen họ sống ở trung tâm thành phố sẽ thuận tiện hơn. Về nơi mới biết là khó nhưng đành phải chấp nhận vì… miếng cơm", ông Chung chia sẻ.

Cũng theo ông Chung, bến mới có thuận tiện vì cự ly Bà Rịa - Vũng Tàu đi lên sẽ gần hơn việc phải thêm 20km vào trung tâm. Nhưng ông Chung với vẻ mặt đượm buồn cho rằng: "Làm đâu quen đó…".

Hành khách người buồn, người vui

Ở một diễn biến khác, khi trao đổi với phóng viên, các hành khách khi di chuyển đến bến xe Miền Đông mới để mua vé về các tỉnh cho biết: "Rất bất tiện khi mua vé ở bến cũ, phải lên xe trung chuyển qua bến mới vừa mất thời gian, tốn kém… ". Tuy nhiên, một số hành khách vẫn cho rằng, địa điểm mình sống gần ở đây tiện lợi.

Chính thức 79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh dời về bến xe Miền Đông mới: Khách hàng hóa… thưa thớt - Ảnh 7.

Nguyễn Thùy Trang, hành khách đi xe trung chuyển từ bến xe Miền Đông cũ qua bến mới để về Lâm Đồng (Đà lạt) bày tỏ mệt mỏi do đường xa. Ảnh: Chinh Hoàng

Hành khách bên trong bến xe Miền Đông mới. Clip: Chinh Hoàng

Anh Đào Đình Năng (TP.Thủ Đức, gần bến xe Miền Đông mới) chia sẻ, vì đặc thù công việc anh Năng hay đi công tác các tỉnh thành ngoài TP.HCM. Những lần đi công tác anh đều di chuyển lên bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) để mua vé đi xe khách. Theo anh Năng, khi hay thông tin bến xe dời về TP.Thủ Đức anh rất vui bởi mang lại nhiều thuận tiện cho mình.

"Bến xe mới về đây không chỉ tôi, gia đình hay những đồng nghiệp cùng công ty phấn khởi. Bởi trong những chuyến công tác ngoại tỉnh sẽ thuận tiện, tiết kiệm thời gian", anh Năng nói.

Trong khi đó, khi tiếp cận một số hành khách trên xe trung chuyển để đi Lâm Đồng (Đà Lạt) phóng viên nhận được những lời than phiền như mệt mỏi, tốn kém, mất thời gian.

"Khá mệt, trung chuyển một đoạn đường khá xa, tôi quen đi với bến mới, giờ về đây xa quá…", một hành khách than phiền.

Để việc di dời giai đoạn 2 mang lại hiệu quả, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại khu vực bến xe Miền Đông, lãnh đạo sở GTVT tải đề nghị, Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải TNHH một thành viên (chủ đầu tư Bến xe miền Đông mới) và Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông không giải quyết cho các đơn vị vận tải di dời ra bến xe Miền Đông mới được lưu đậu tại bến xe cũ để đón trả khách.

Đồng thời, bổ sung thêm quầy vé tại bến xe mới để phục vụ theo yêu cầu của các đơn vị vận tải; xem xét giảm giá dịch vụ; xem xét tổ chức xe vận chuyển hành khách có nhu cầu từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe Miền Đông mới và ngược lại.

Mới đây Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở GTVT 15 tỉnh, thành đề nghị phối hợp thông báo việc di dời các tuyến xe khách giai đoạn 2 từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe Miền Đông mới.

Theo lãnh đạo bến xe Miền Đông, bến hiện có 79 tuyến xe khách (với 120 hành trình tuyến) đang hoạt động tại bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) đi đến các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau sẽ dời sang bến xe mới cách đó 20 km từ ngày 11/10.

Bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức) là bến xe lớn nhất nước có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 740 tỷ đồng. Trước đó, từ tháng 10/2020, bến xe Miền Đông mới được đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 22 tuyến từ Quảng Trị trở ra Bắc được di dời từ bến xe cũ qua. Trước đó, từ tháng 10/2020, bến xe Miền Đông mới được đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 22 tuyến từ Quảng Trị trở ra Bắc được di dời từ bến xe cũ qua…

Theo Sở GTVT TP.HCM, giai đoạn 3, hơn 60 tuyến còn lại ở bến cũ sẽ được dời qua khi bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định, kết nối đồng bộ giao thông xung quanh.

Song song với việc di dời các tuyến, bến xe Miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh sẽ bố trí lại mặt bằng trông giữ xe hai bánh, xe ô tô cho hành khách để sử dụng xe trung chuyển về bến xe Miền Đông mới.

Đồng thời, tại bến cũ sẽ ưu tiên bố trí diện tích cho phương tiện giao thông công cộng gồm xe buýt, xe taxi đậu, đỗ để đón, trả khách, văn phòng điều hành và nhà chờ cho hành khách. Tại bến xe cũ cũng kết hợp khai thác dịch vụ hỗ trợ để cung cấp dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa xe, rửa xe, cung ứng nhiên liệu kể cả trạm nhiên liệu khí CNG cho xe buýt và các trạm sạc điện…

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng cho biết, trước mắt chủ đầu tư phải đưa ra lộ trình di chuyển các chuyến xe còn lại ra bến xe Miền Đông mới. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM có chỉ đạo tính toán, sử dụng diện tích bến xe cũ. Ngoài ra, Sở GTVT sẽ đề nghị ít nhất phải giữ lại không gian cho bãi đậu xe, giao thông công cộng ngay sau khi quy hoạch tại bến xe Miền Đông cũ.