Theo IMF, tăng trưởng GDP thực của châu Á sẽ chỉ đạt 4% trong năm 2022, thấp hơn mức 6,5% của năm 2021. Và đây là lần thứ 4, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này, trong bối cảnh thế giới bất ổn và nhiều nền kinh tế lớn đang chìm trong lạm phát cao hoặc/và suy giảm tăng trưởng như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
IMF đánh giá, khu vực châu Á năng động bị ảnh hưởng không nhỏ bởi giá cả hàng hóa leo thang, sự sụt giảm sức cầu từ các nền kinh tế lớn cũng như hậu quả của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự báo, các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% vào năm 2023, giảm lần lượt 20 điểm phần trăm và 10 điểm phần trăm so với dự báo được tổ chức này đưa ra hồi tháng 7.
Sự sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc, với dự báo GDP tăng chỉ tăng 3,2% trong năm 2022 (so với mức tăng 8,1% trong năm 2021) sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế các nước trong khu vực châu Á.
Đáng chú ý, trong báo cáo, IMF đánh giá Việt Nam là một điểm sáng, và tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7% trong năm 2022, tăng so với dự báo 6% trong dự báo đưa ra hồi đầu năm. Trong năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam suy giảm xuống mức 6,2%.
Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhất trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN-5), gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Nhóm ASEAN-5 được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm nay, so với mức 3,4% vào năm 2021 nhưng sẽ tụt xuống 4,9% trong 2023.
Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Điển hình như tại Báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tháng 10/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng lên 7,2% so với mức 5,8% được công bố hồi tháng 6/2022.
Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cũng có dự báo đầy lạc quan tại Báo cáo "Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2022", với việc nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% so với mức 6,3% được công bố vào tháng 7/2022.