Dân Việt

Hà Nam: Sử dụng phân bón hữu cơ Nano Silic, cây lúa sạch sâu bệnh, nặng trĩu bông

Minh Ngọc 12/10/2022 13:47 GMT+7
Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam, sau khi sử dụng phân bón là hữu cơ Nano Silic (PAN) trên cây lúa vụ mùa 2022 ở huyện Thanh Liêm và Bình Lục cho thấy, bộ lá lúa có màu sáng xanh, đẻ nhánh khỏe và tập trung, chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh hại...

Trong những năm qua, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp như đưa cơ sở hóa vào sản xuất, ứng dụng giống mới, phân bón hữu cơ vi sinh, quy trình kỹ thuật cải tiến..., năng suất lúa của tỉnh Hà Nam không ngừng tăng.

Để tạo điều kiện cho bà con nông dân trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa, năm 2022, Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam cùng UBND huyện Thanh Liêm, Bình Lục phối hợp Công ty CP Nano Industry Đăng Quang tiến hành xây dựng và thực hiện mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN trên cây lúa vụ mùa. 

Theo đó, mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN trên cây lúa trong vụ mùa 2022 được triển khai trên diện tích 30ha của xã Liêm Phong (huyện Thanh Liêm) và 20ha xã Tiêu Động (huyện Bình Lục) với 109 hộ tham gia. Giống lúa được thử nghiệm là Khang dân 18, Bắc Thơm 7 và BC15. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2022 đến tháng 10/2022.

Hà Nam: Sử dung phân bón hữu cơ Nano Silic trên cây lúa - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy kiểm tra mô hình sử dụng phân bón Nano Silic (PAN) trên địa bàn xã Tiêu Động, huyện Bình Lục. Ảnh: Hà Nam

Tại huyện Thanh Liêm, mô hình thực hiện cấy giống lúa Bắc Thơm 7, Khang Dân 18; còn ở huyện Bình Lục là giống lúa BC 15. Các mô hình thực hiện bằng phương pháp gieo thẳng và cấy máy. Việc thí điểm sử dụng chế phẩm phân bón sinh học PAN được áp dụng trong toàn bộ quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa (giai đoạn mạ: phun 2 lần, giai đoạn lúa phun 4 lần) với hình thức phun qua lá tỷ lệ 20ml/sào, 1 lít/ha. 

Theo báo cáo của các huyện Thanh Liêm, Bình Lục và đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam, trên mô hình sử dụng phân bón PAN, lúa sạch sâu bệnh, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, bộ lá đòng ngắn mập, đặc biệt là tỷ lệ nhánh hữu hiệu đạt cao hơn so với lúa cấy sử dụng phân bón khác gấp 3 lần. 

Toàn bộ quy trình bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật tại mô hình đều sử dụng máy bay không người lái, giúp tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm độc hại cho người sử dụng, an toàn, bảo vệ sức khỏe và tiết kiệm chi phí cho bà con nông dân. 

Mô hình giúp giảm chi phí từ 30% đến 40% lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng so với ngoài mô hình và giảm 30% khối lượng phân bón so với sử dụng phân bón khác. 

Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam, vụ mùa năm nay thời tiết đầu vụ tương đối khó khăn cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, mô hình sau khi sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN, cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, lá lúa xanh cứng, đứng. Số dảnh hữu hiệu cao, bông to, hạt mẩy, tỷ lệ hạt chắc/bông cao hơn ngoài mô hình. 

Tại huyện Thanh Liêm số hạt chắc/bông, số bông/m2 đối với giống Bắc thơm số 7 tăng 32%; giống Khang dân 18 tăng 77%. Tại huyện Bình Lục giống BC 15 tăng 25%. 

Đặc biệt, kết quả so sánh giữa trong mô hình và ngoài mô hình cho thấy chi phí giảm hơn 284.000 đồng/ha. Năng suất lúa tại mô hình cũng cao hơn so với ngoài mô hình, cụ thể: Bắc thơm 7 cao hơn 62kg/sào, Khang dân 18 cao hơn 170kg/sào. 

Do vậy hiệu quả kinh tế trong mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN cao hơn so với đối chứng (giống Bắc thơm 7 cao hơn 527.000 đồng/sào; Khang dân 18 cao hơn 1,1 triệu đồng/sào.

Còn tại huyện Bình Lục, năng suất của mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN cao hơn so với ngoài mô hình 52kg/sào. Hiệu quả kinh tế cao hơn đối chứng 360.000 đồng/sào.

Ông Nguyễn Văn Lung, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Liêm Phong (huyện Thanh Liêm) và bà con nông dân tham gia mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN trên cây lúa cho biết: Chúng tôi vô cùng vui mừng phấn khởi khi thấy sử dụng phân bón PAN trên cây lúa mang lại hiệu quả vượt trội, đặc biệt, thân thiện với môi trường. 

Ông Lại Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Liêm Phong phấn khởi cho biết, qua quá trình đánh giá nghiệm thu của đơn vị chức năng thì chất lượng lúa sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN cao hơn hẳn so với diện tích ngoài mô hình. Bên cạnh đó, sử dụng phân bón PAN giúp bảo vệ môi trường và giảm chi phí đầu vào cho bà con nông dân. Tới đây địa phương sẽ tiếp tục khuyến cáo bà con mở rộng diện tích trong các vụ tiếp theo.

Tại buổi kiểm tra mô hình sử dụng phân bón PAN trên lúa mùa ở xã Liêm Phong hồi tháng 8, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đánh giá cao hiệu quả bước đầu từ việc sử dụng chế phẩm phân bón hữu cơ PAN mang lại trên mô hình thí điểm tại xã Liêm Phong, đồng thời đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành NNPTNT, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai mô hình đầu tiên trong vụ mùa năm 2022.