Dân Việt

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng ngành thủy sản không nên tự mãn

Huỳnh Xây 13/10/2022 05:36 GMT+7
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua, ngành thủy sản đã có nhiều kết quả nổi bật, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ngành cũng đang đứng trước các thách thức lớn.

Chiều 12/10, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng, Báo Tuổi trẻ tổ chức hội thảo: "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên top đầu thế giới".

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Ngành thủy sản đang đứng trước thách thức lớn  - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên top đầu thế giới" được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng chiều nay 12/10. Ảnh: Huỳnh Xây

Chia sẻ với các đại biểu tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, thời gian qua, ngành thủy sản đã có nhiều kết quả nổi bật, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, đây là kết quả rất lớn từ những nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của ngành chức năng các địa phương cũng như các bộ, ngành có liên quan.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ NNPTNT cho rằng "chúng ta không nên tự mãn". Bởi ngành thủy sản đang đứng trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và xu thế tiêu dùng của thế giới.

"Để vượt qua những thách thức trên, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, không làm ăn nhỏ lẻ mà phải hợp tác, liên kết và phải cấu trúc lại ngành thủy sản" - ông Lê Minh Hoan nói.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, ngành thủy sản phải tạo thành một hệ sinh thái, để mang lại giá trị cao. Trong hệ sinh thái này, các đơn vị có liên quan (trong đó có doanh nghiệp, địa phương và Bộ NNPTNT) phải cùng nhau hợp tác, chia sẻ vì mục tiêu chung".

Ngoài ra, trong hệ sinh thái ngành thủy sản này, các đơn có liên quan phải có tư duy mở, quyết tâm vượt khó, nỗ lực để vượt lên chính mình, phải hiểu được giá trị mới, nắm được thông tin thị trường, đánh giá và phân tích được tất cả các rủi ro nếu có, có như vậy sẽ không lúng túng chùn bước về sau.

"Tôi tin rằng, mọi vấn đề đều giải quyết được khi chúng ta cùng ngồi với nhau, từ địa phương đến trung ương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Bộ NNPTNT sẽ đồng hành" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nói.

Theo báo cáo tại hội thảo, trong những năm qua, ngành thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nhất là ở khu vực ĐBSCL. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện Việt Nam có hơn 830 nhà máy chế biến thủy sản đạt quy mô công nghiệp và trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của thế giới.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Ngành thủy sản đang đứng trước thách thức lớn  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua, ngành thủy sản đã có nhiều kết quả nổi bật, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng đang đứng trước các thách thức lớn. Trong ảnh, thu hoạch tôm ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Huỳnh Xây

Trong 3 năm qua, thủy sản luôn đứng trong top 10 ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, ngành thủy sản đã tạo việc làm và sinh kế cho hơn 4 triệu lao động trực tiếp (chưa tính gián tiếp), bao gồm nông dân nuôi thủy sản và ngư dân khai thác biển.

Thông tin mới nhất cho thấy đến hết tháng 9 năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. VASEP dự báo đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD mà Bộ NNPTNT đề ra.

Nhiều thông tin lạc quan là vậy nhưng các chuyên gia và người trong cuộc có cùng nhận định ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam vẫn đang đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Đáng chú ý là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước dẫn đến nhiều dịch bệnh. Chất lượng, nguồn gốc con giống chưa đảm bảo. Ngoài ra, thức ăn thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu, các chế phẩm sinh học thủy sản, phương thức nuôi, qui trình nuôi chưa đồng nhất, hạ tầng, cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng còn lạc hậu…

Ngoài những khó khăn, thách thức trên, ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản còn cho biết: "Hiện nay, nhiều thiết bị vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi thủy sản phụ thuộc vào nước ngoài. Các đối tượng nuôi chính đạt ngưỡng của sức tải môi trường, còn đối tượng mới đưa vào nuôi chưa có chỗ đứng trên thị trường, đối tượng dự kiến nuôi thiếu thông tin".

Chưa dừng lại ở đó, ông Khôi còn cho biết, vì lợi ích cục bộ, quy hoạch ở một số địa phương chưa bám sát vào quy hoạch ngành.

Để phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản đề nghị các địa phương ưu tiên phát triển khoa học công nghệ. Bởi đây là giải pháp then chốt, quan trọng, quyết định tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu.

Thêm vào đó, tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ, phù hợp quy hoạch, chương trình, đề án lĩnh vực thủy sản, đáp ứng tiêu chí, quy định của Luật Thủy sản. 

Đồng thời, đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật, đặc biệt đối với cán bộ chuyên sâu trong các lĩnh vực về thủy sản, thu hút nguồn lực quốc tế trong hợp tác, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thủy sản.