Ngày 12/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỉ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022. Chương trình do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Thủ tướng nhắc lại thời điểm cách đây một năm, ông đã gặp cộng đồng doanh nhân trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng. Năm nay, tình hình cũng còn nhiều khó khăn cả nội tại và bên ngoài.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán, trái phiếu, tiền tệ, bất động sản bên cạnh mặt tích cực phát triển mạnh mẽ trong những năm qua thì cũng bộc lộ những bất cập cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả để phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả, bền vững hội nhập và góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân.
Tuy phải đối mặt với những khó khăn được ví như "ngàn cân treo sợi tóc", nhưng theo Thủ tướng, nền kinh tế vẫn có sự hồi phục vượt bậc, tạo cơ sở cho niềm tin năm 2023 nền kinh tế tiếp tục có những khởi sắc dù còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức.
Sau khi lược qua những kết quả tích cực của 9 tháng từ đầu năm 2022 đến nay, Thủ tướng cho rằng: “Trong thành tích chung đó, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân vô cùng quan trọng, đối với việc góp ý xây dựng thể chế chính sách, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới”.
Khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng nhắc lại nội dung thư của Hồ Chủ tịch gửi giới doanh nhân ngày 13/10/1945, đến Hiến pháp 2013 và văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Những nội dung về doanh nghiệp – doanh nhân là cơ sở chính trị - pháp lý cho doanh nhân phát triển.
Theo Thủ tướng, hiện nay Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đang thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
“Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo”, Thủ tướng nói.
Nhắc tới việc cộng đồng doanh nhân – doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội qua Covid-19, Thủ tướng “thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, vất vả, nhọc nhằn và gửi lời cám ơn, trân trọng biểu dương những nỗ lực, những đóng góp lớn lao của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: “Để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, chúng ta cần cùng nhau giải quyết với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Và tôi tin với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, những kinh nghiệm đã tích lũy được, cùng sự cần cù, thông minh, sáng tạo của người Việt Nam, chúng ta sẽ làm được, sẽ chiến thắng”.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa.
Nhấn mạnh tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng đề cập đến 12 việc mà Chính phủ sẽ thực hiện, đồng thời đề nghị cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện 6 nhiệm vụ.
Thủ tướng khẳng định: "Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hoá các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính nhưng không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng niềm tin, tài sản của Nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân chân chính".
12 nhiệm vụ Chính phủ sẽ thực hiện
(1) Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
(2) Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
(3) Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp, bảo đảm đảm tăng tín dụng hợp lý và hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
(4) Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả..
(5) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới
(6) Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
(7) Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung – cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
(8) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển.
(9) Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng phục vụ người lao động, nhà ở cho công nhân, hệ thống y tế cơ sở.
(10) Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.
(11) Phát triển, lành mạnh hoá, củng cố niềm tin nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản.
(12) Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
6 điều Chính phủ mong muốn ở cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam
(1) Trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước;
(2) Thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quan trị doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia, chống biến đổi khí hậu;
(3) Tận dụng sự phục hội mạnh mẽ thị trường trong nước, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế;
(4) Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh.
(5) Bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;
(6) Tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.