Sau đó, một người lính Ukraine mang một loại vũ khí được thiết kế để bắn hạ máy bay bay thấp đến. Anh đã ngắm bắn và may mắn phá hủy một tên lửa trước sự cổ vũ nồng nhiệt của đồng đội.
Tuy nhiên, cuộc tấn công tên lửa ồ ạt của Nga vào Ukraine hôm 10/10 để trả đũa cho vụ tấn công vào cầu Crimea - con đường duy nhất nối liền lục địa Nga với bán đảo trên Biển Đen cũng cho thấy thách thức mà lực lượng của Tổng thống Volodymyr Zelensky phải đối mặt để việc bảo vệ các thành phố trước cuộc tấn công từ trên không của Nga.
Trong số 84 tên lửa được Nga bắn từ xa từ Belarus và Biển Caspi hôm thứ Hai 10/10, chỉ hơn một nửa bị bắn hạ, theo Bộ Quốc phòng Ukraine.
Nhiều tên lửa Nga đã đánh trúng các mục tiêu mà chúng được lập trình sẵn, bao gồm các trung tâm thông tin liên lạc và cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Tổng thống Zelensky biết rất rõ những gì Ukraine đang cần để duy trì động lực trong cuộc chiến với Nga: Đó là các hệ thống phòng không tốt nhất của phương Tây có khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự của nước này.
Các đại sứ quán Ukraine ở nước ngoài đã được chỉ thị phải nỗ lực hết sức để vận động các đồng minh để có được nguồn cung vũ khí lớn hơn. Đức đã thông báo cung cấp cho Ukraine tên lửa đất đối không Iris-T SL gắn trên xe tải, có tầm bắn 40km sau 4 tháng bị tố "hứa suông".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ cả dân thường và quân đội của mình, Ukraine cần nhiều hệ thống phòng không hơn.
Kiev đã nhận được tên lửa đất đối không S-300 thời Liên Xô từ Slovakia, tên lửa Stinger di động từ Mỹ và tên lửa đất đối không Starstreak từ Anh. Tuy nhiên, thứ mà Tổng thống Zelensky thực sự muốn là Nasams (hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến) có tầm bắn 49km được sản xuất bởi tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy và Raytheon của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết rằng 8 hệ thống Nasams sẽ được gửi đến Ukraine, nhưng vẫn còn vài tháng nữa hàng mới được giao. Việc tăng tốc độ triển khai của hệ thống này sẽ giúp Ukraine sớm vô hiệu hóa mối đe dọa từ các cuộc tấn công tên lửa của Nga.
Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại Royal United Services Institute, một tổ chức tư vấn quốc phòng, cho rằng Nasams có thể bảo vệ các thành phố như Kiev, Kharkov và Lviv trước các cuộc tấn công tên lửa của Nga.
“Nasams chủ yếu được sử dụng bởi các nước NATO, bao gồm cả Mỹ, để phòng thủ các thành phố. Tôi tin rằng, chúng sẽ hiệu quả nhất khi được sử dụng để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng”, ông nói.
Trong khi đó, để duy trì động lực của Ukraine trong cuộc phản công khiến lực lượng Nga phải rút lui sâu rộng, Kiev cũng cần duy trì tầm bắn vượt trội của pháo binh. Tháng trước, Tổng thống Biden thông báo rằng Mỹ sẽ cung cấp thêm 18 chiếc Himars (hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao) có tầm bắn tối đa 80km cho Ukraine, bổ sung cho 16 chiếc đã được chuyển giao trước đó.
Sự kết hợp giữa các loại pháo phản lực tầm xa như Himars và M77 (tầm bắn 40km) đã giúp các lực lượng Ukraine đẩy lùi quân Nga trên nhiều vùng đồng bằng ở miền đông Ukraine.
Kiev cũng lập luận rằng việc phương Tây đẩy mạnh viện trợ sẽ tăng cũng sẽ giúp họ đẩy nhanh sự rút lui của người Nga. Ukraine tuyên bố đã chiếm được nhiều xe tăng từ Nga hơn so với số xe tăng mà họ nhận được từ các đồng minh phương Tây.
Ukraine cũng đề nghị Lầu Năm góc viện trợ hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội Mỹ - một loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn 305km có khả năng mang số lượng chất nổ nhiều gấp đôi so với các tên lửa hiện tại của Kiev.
Ukraine cho biết các vũ khí này sẽ hoạt động như một biện pháp ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã hạn chế gửi tên lửa tầm xa cho Kiev vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga và có nguy cơ leo thang xung đột, gây nguy hiểm cho chính họ.