Anh Trần Khắc Huynh, 57 tuổi (mang khăn rằn) ở quận 10 là một thợ chụp hình lâu năm. Trong quá trình làm nghề, anh ít khi thấy các cặp đôi khuyết tật vào studio thuê chụp hình cưới.
"Năm 2016, tôi có dịp đi phụ bạn chụp hình cưới cho một cặp đôi khuyết tật. Nghe họ kể nhiều cặp đôi đồng cảnh cảm thấy mặc cảm bản thân khiếm khuyết, dù cũng muốn vào thuê chụp vài kiểu làm kỷ niệm nhưng không dám nên tôi quyết định rủ một nhóm đồng nghiệp chụp ảnh cưới miễn phí cho họ", anh Huynh chia sẻ.
Vậy là nhóm Chụp ảnh cưới thiện tâm Charity ra đời với mục đích giúp các cặp đôi khuyết tật sở hữu một bộ ảnh cưới trong mơ.
Trong hình là buổi chụp hình cưới của vợ chồng anh Lê Cảnh Hiệp, 35 tuổi, và chị Phạm Thị Thanh Thủy, 40 tuổi, ở phim trường Alibaba, quận Bình Thạnh hôm 29/9. Anh Hiệp bị liệt 2 chân từ bé, hiện đang làm công nhân sơn mài hiện còn chị Thủy là thợ may, chân trái hơi yếu nhưng vẫn đi lại được.
Chụp ngoại cảnh trong phim trường thường phải di chuyển đến nhiều điểm khác nhau nên các nhiếp ảnh gia thường kiêm luôn nhiệm vụ bồng bế cô dâu chú rể. Trong hình, một tay máy đang bế chú rể Cảnh Hiệp đến nơi chụp hình.
Chụp hình cho người khuyết tật vất vả và mất nhiều thời gian hơn so với chụp cho người bình thường.
Ngoài các tay máy chụp hình thì khâu trang phục, trang điểm là điều quan trọng không kém trong buổi chụp hình. Thời gian đầu, anh Huynh gặp khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ trang phục, thợ trang điểm. Hiện nay, nhóm đã có một ekip chuyên nghiệp với đủ các bộ phận từ chụp hình đến hậu cần.
Trước đây, anh Huynh chụp hình cưới cho các cặp đôi ở công viên. Sau này, anh thuê studio, phim trường để chụp ngoại cảnh. Ban đầu nhóm bỏ chi phí nhưng về sau được phim trường miễn phí vé vào cổng khi anh Huynh chụp cho người khuyết tật.
Nhóm của anh Huynh được cộng đồng người khuyết tật biết đến khá nhiều. Mỗi tháng, nhóm của anh nhận chụp cho khoảng 2 -3 cặp đôi. Sau khi các cặp đôi liên hệ, anh Huynh sẽ đến nhà xác minh hoàn cảnh, lấy số đo của họ để chuẩn bị trang phục. Sau đó, anh đăng bài lên nhóm để kêu gọi sự hỗ trợ của các thành viên như chủ studio, thợ trang điểm và các nhiếp ảnh gia.
Trong hình là buổi chụp hình của anh Nguyễn Hoàng Dũng, 48 tuổi, và chị Nguyễn Thị Tuyết, 44 tuổi, cùng làm công nhân ở Bình Dương. Hai vợ chồng cùng có đôi chân yếu, chỉ có thể đi lại bằng nạng. Tuy đã lớn tuổi nhưng cặp đôi vẫn khao khát có được một album cưới để làm kỷ niệm.
Anh Huynh chia sẻ những cảm nhận về công việc: "Người khuyết tật thường ít bạn bè. Họ ít đi chơi nên chẳng mấy khi được chụp hình, khi được khoác lên mình trang phục cưới thường ngại ngùng".
Sau buổi chụp hình, các tay máy sẽ chọn ảnh và làm hậu kỳ rồi gửi cho anh Huynh. Trưởng nhóm có nhiệm vụ tổng hợp, thiết kế album rồi mang in.
Thông thường, nhóm sẽ tặng người chụp một cuốn album với khoảng 60 tấm hình nhỏ bên trong và một hình ép gỗ lớn để treo tường với thiết kế đẹp mắt.
Những cặp chuẩn bị làm đám cưới sẽ được ưu tiên chụp sớm nhất có thể. Trong hình là cặp đôi Văn Minh, 32 tuổi, và Kim Ngân, 33 tuổi, ở huyện Củ Chi. Cặp đôi sẽ làm đám cưới vào ngày 23/10 tới nên được nhóm anh Huynh ưu tiên chụp hình tuần trước.
"Sau khi tôi ngỏ ý nhờ giúp đỡ, anh Huynh xác minh hoàn cảnh và lên lịch chụp chỉ trong 4 ngày. Vợ chồng tôi may mắn hơn các cặp đôi khuyết tật khác là vẫn đi lại được nên buổi chụp diễn ra khá nhanh. Nếu không có anh Huynh thì tôi sẽ không chụp album cưới vì muốn tiết kiệm chi phí", chị Ngân nói, ánh mắt rạng rỡ.
Ngoài được tài trợ trang phục cưới, cặp vợ chồng khuyết tật còn được tặng áo đôi để chụp thêm nhiều kiểu hình.
Khi mặc đồ bình thường, các cặp đôi thoải mái tạo kiểu, cười đùa tự nhiên hơn so với khi mặc trang phục cưới, thường có phần ngại ngùng. Thành viên trong nhóm luôn nhiệt tình hướng dẫn các cặp đôi tạo dáng, pha trò để họ có những kiểu hình với khoảnh khắc đẹp. Nhiếp ảnh gia thì di chuyển, chụp nhiều góc khác nhau, hạn chế những phần khiếm khuyết trên cơ thể người chụp.
Sau khi rửa hình, anh Huynh và thành viên trong nhóm thường mang đến nhà tặng album. Nếu cặp đôi nào có thể tiện di chuyển bằng xe máy thì anh Huynh hẹn đến phim trường để nhận hình.
Vì ghép chung hai cặp đôi chụp một buổi nên phim trường thường có nhiều tay máy cũng như các nhân sự lo hậu cần. Tất cả đều bỏ thời gian, công sức, tham gia hoạt động hoàn toàn miễn phí.
Anh Huynh (ngoài cùng bên trái) nói: "Khi chụp hình, tôi không xem là người khuyết tật. Bởi vì tôi thấy họ vẫn vui tươi, vẫn khao khát sở hữu những tấm hình đẹp và hạnh phúc như những cặp dâu rể bình thường. Khi nhận cuốn album, tôi thấy họ khóc, nhiều người lúng túng, nâng niu nó khiến tôi nhận ra việc mình và cả nhóm đang làm thật ý nghĩa".