Từ vụ nữ bác sĩ thú y qua đời vì vết cắn của thú cưng, chuyên gia chỉ rõ cần làm ngay việc này
Thứ năm, ngày 13/10/2022 21:37 PM (GMT+7)
Vết thương bị chó mèo cắn tuyệt đôi không băng kín vết thương. Đặc biệt, không được tùy tiện sử dụng thuốc Nam để điều trị mà cần đưa đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Vừa qua, Khoa cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết đã tiếp nhận trường hợp một bệnh nhân nữ trẻ vào cấp cứu trong tình trạng có la hét, thở nhanh.
Bệnh nhân nhập viện vào lúc nửa đêm, vẫn tỉnh táo hoàn toàn, giảm phản xạ gân xương và tăng tiết nước bọt khá nhiều.Theo bạn trai của bệnh nhân, cách đó khoảng 2 ngày, bệnh nhân hay cáu gắt và la hét nhiều.
Sau khi xem kỹ bệnh án của nữ bệnh nhân trên, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) phát hiện kết quả đường huyết tăng, bất chợt rợn tóc gáy và nghĩ tới có thể bệnh nhân mắc bệnh dại.
Sau khi khai thác tiền sử được biết, cách đây khoảng 1,5 tháng, trong lúc đang làm việc, bác sĩ này bị chó ốm cắn vào tay, vết cắn ở vị trí bàn tay phải. Sau khi bị cắn, nữ bác sĩ trẻ đã sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại. Sau 4 ngày con chó chết song bác sĩ chủ quan vẫn không tiêm phòng vắc-xin dại vì chị chẩn đoán chó chết do bị viêm đường hô hấp trên.
Trước khi nhập viện 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau nhức chỗ cắn và vùng vai phải, tê bì chân tay, sau đó lan ra toàn thân, kèm cảm giác khó thở, sợ gió, sợ nước. Vài ngày sau, bệnh nhân đã không qua khỏi. Kết quả PCR dịch não tủy từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho thấy bệnh nhân dương tính với virus dại.
Chuyên gia khuyến cáo điều cần làm ngay nếu bị chó mèo cắn
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm, TP.HCM, hi bị chó cắn bệnh nhân có thể bị ủ bệnh từ 9 ngày tới vài năm. Thời gian ủ bệnh tuỳ thuộc vào vị trí con chó cắn, vị trí đường đi của virus dại tấn công lên cơ quan thần kinh trung ương.
Người phát dại sớm nhất khoảng 9 ngày, dài nhất vài năm. Bác sĩ Khanh đã từng gặp có những bệnh nhân dại phát bệnh sau 2, 3 năm, lúc đó bệnh nhân hoàn toàn quên mình đã từng bị chó cắn. Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan.
Khi bị chó mèo cắn, điều đầu tiên cần rửa ngay thật kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh ít nhất là 5 phút rồi tiến hành sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode, nhằm làm giảm tối thiểu lượng vi rút xâm nhập nơi vết cắn.
Sau đó dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại. Tránh băng kín vết thương. Đặc biệt, không được tùy tiện sử dụng thuốc Nam để điều trị. Sau khi sơ cứu, cần đưa người bị chó (mèo) cắn đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám và có chỉ định điều trị thích hợp.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, thông thường, người dân có tâm lý sợ vắc xin dại vì tác dụng phụ ảnh hưởng tới thần kinh. Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cho rằng, với công nghệ hiện nay vắc xin dại rất an toàn. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn bạn nên cần tiêm đủ mũi cho an toàn. Vắc xin này tiêm được cả cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Dấu hiệu nhận biết chó mèo cắn bị dại
Chó bị bệnh dại có 2 thể lâm sàng là thể điên cuồng và thể liệt. Sau thời gian ủ bệnh từ 3 - 5 ngày, chó dại thường bỏ ăn, những thói quen hàng ngày của nó bị thay đổi; nhiều khi thể hiện sự vui mừng hay hung dữ quá độ trong vòng vài giờ đến vài ngày. Sau đó là giai đoạn lên cơn, con vật luôn vận động, tiếng kêu khàn giọng, sủa kéo dài rồi rướn cao lên thành tiếng rú ghê rợn.
Những kích thích nhỏ đều làm nó lên cơn điên dại, thường chồm vào người, súc vật hoặc đồ vật chung quanh và cắn rất mạnh. Chó dại thường bỏ nhà, chạy rông và gặp bất kỳ ai cũng cắn. Sau vài ngày, nó phờ phạc, gầy mòn, kêu thất thanh rồi bị liệt và chết trong vòng 7 ngày.
Trái lại, có loại chó dại lên cơn nhưng không hung dữ, chỉ nằm im một chỗ, nước bọt chảy nhiều, chó không sủa, không cắn và chết trong vòng từ 3 - 5 ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.