Dân Việt

Mấu chốt của việc thiếu xăng dầu chưa được tháo gỡ: Chiết khấu quá thấp, không đủ bù lỗ cho doanh nghiệp

Hồng Phúc 14/10/2022 08:48 GMT+7
Phản ánh với Dân Việt, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết thực tế, mấu chốt nguyên nhân thiếu xăng dầu ở miền Nam những ngày qua vẫn chưa được tháo gỡ khi mức chiết khấu dành cho cửa hàng bán lẻ chỉ 200 - 300 đồng/lít xăng, chưa đủ bù lỗ.

Ngày hôm qua và sáng nay 14/10, nhiều cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM đã bán trở lại nhưng vẫn còn có cửa hàng treo bảng "hết xăng". Mức chiết khấu thấp khiến các cửa hàng tiếp tục cầm cự, một số khác quyết định tạm ngưng nhập hàng và cũng có doanh nghiệp mong muốn ngừng kinh doanh sau một năm trời thua lỗ.

Nguyên nhân thiếu xăng dầu ở miền Nam: Chiết khấu xăng dầu chưa đủ bù lỗ cho doanh nghiệp

Đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho biết, sau kỳ điều chỉnh giá hôm 11/10, mức chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối dành cho cửa hàng bán lẻ có tăng nhưng hiện chỉ từ 250-300 đồng/lít xăng. Thậm chí, một số cửa hàng còn đang phải chịu mức chiết khấu thấp hơn, từ 100 - 200 đồng/lít xăng. 

Theo ông, với mức chiết khấu này, doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục lỗ nặng. Mỗi cây xăng vận hành thời gian qua đã lỗ cả tỷ đồng vì nút thắt chiết khấu dành cho cửa hàng xăng dầu bán lẻ chưa được tháo gỡ.

Doanh nghiệp xăng dầu bức xúc chiết khấu vẫn quá thấp, chưa đủ bù lỗ - Ảnh 1.

Nguyên nhân thiếu xăng dầu ở miền Nam mấy ngày qua là do chiết khấu xăng dầu quá thấp khiến nhiều cửa hàng chưa mặn mà, bán cầm chừng hoặc chưa quyết định bán lại. Ảnh: Hồng Phúc

"Chiết khấu 300 đồng/lít chỉ đủ cho chi phí vận chuyển, trong khi các cửa hàng vẫn còn nhiều chi phí khác phải trả như nhân viên bán hàng, kế toán, điện nước, chi phí hao hụt, mặt bằng và lãi vay ngân hàng. Không doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nào hiện nay không vay ngân hàng. 300 đồng/lít thì các cửa hàng phải tiếp tục bù lỗ mà từ đầu năm đến nay lỗ nhiều lắm rồi", ông phân tích.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khác cũng cho biết  các cửa hàng xăng dầu hiện nay vẫn bán hàng khi có nguồn cung. Nhưng mức chiết khấu hiện nay quá thấp, doanh nghiệp phải bù lỗ là nguyên nhân thiếu xăng dầu ở miền Nam mấy ngày qua. 

"Chúng tôi đang cố gắng cầm cự nhưng nếu cứ tiếp tục chiết khấu như vậy là buộc phải buông, đóng cửa vì phá sản, nợ xấu, ngân hàng siết nợ", giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu thẳng thắn nói.

Vị giám đốc này đề nghị cơ quan quản lý cần tính toán, ấn định mức chiết khấu sàn (chiết khấu tối thiểu) dành cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Mức chiết khấu đề xuất là 6-7% trên giá xăng. Chẳng hạn mỗi lít xăng 20.000 đồng thì chiết khấu cho các cửa hàng khoảng 1.000 đồng, sau khi trừ đi chi phí mới bắt đầu có lợi nhuận để ổn định kinh doanh.

"Theo tôi, buộc phải có giá sàn chiết khấu, doanh nghiệp đầu mối phải chia sẻ với cửa hàng bán lẻ, có như vậy mới hài hòa và kinh doanh ổn định trở lại", ông nói.

Đề xuất mức chiết khấu cố định cho cửa hàng bán lẻ

Trong văn bản gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM kiến nghị, khi kinh doanh xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ với tỷ lệ không nhỏ hơn 6-7% trên giá bán mỗi lít xăng dầu.

Nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.

Doanh nghiệp xăng dầu bức xúc chiết khấu vẫn quá thấp, chưa đủ bù lỗ - Ảnh 3.

Doanh nghiệp đề xuất trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ với tỷ lệ không nhỏ hơn 6-7% trên giá bán mỗi lít xăng dầu. Ảnh: Hồng Phúc

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp xăng dầu tại TP.HCM, UBND TP.HCM đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. 

Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Cần xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu) góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết các vấn đề bản chất nhất của tình hình xăng dầu thiếu hụt những ngày qua đã được UBND TP.HCM báo cáo, kiến nghị đầy đủ với các cơ quan trung ương. Ông kỳ vọng các vướng mắc sẽ được giải quyết để đảm bảo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn, nhất là giai đoạn cuối năm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng từ vụ việc này cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc thanh tra thực chất các cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Việc thanh tra không chỉ kiểm tra doanh nghiệp có vi phạm về việc tạm ngưng bán hay không, mà còn phải tìm hiểu vì sao, do họ cũng lực bất tòng tâm như khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh ở trên.

Từ đó, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cùng tìm biện pháp tháo gỡ, hài hòa yếu tố quản lý và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Dũng, hai Bộ Tài chính - Công Thương phải có trách nhiệm về việc quản lý xăng dầu, làm hết trách nhiệm, và có chiến lược quy hoạch, phát triển toàn bộ ngành xăng dầu trong tương lai.