Chiều ngày 13/10 tại thành phố Hà Nội, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã tổ chức trực tiếp và trực tuyến buổi lễ công bố Báo cáo Thị trường bất động sản Quý III/2022 với chủ đề "Đầu tư thận trọng - Củng cố nền tảng".
Theo số liệu của VARS, hiện nay nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chủ yếu là những phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu thực.
Tỷ lệ hấp thụ bất động sản trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư do dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản chỉ trong tình trạng "ngủ đông", chưa rơi vào tình trạng suy thoái. Bởi, sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, hoạt động đầu cơ giai đoạn này cũng bị triệt tiêu phần nào.
Bên cạnh đó, chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó, nhóm dầu tư dự án hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị… Điều này kéo theo những nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ, văn phòng… Đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp trong xu thế chuyển dịch.
Chính vì thế, thị trường bất động sản sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng, tiếp tục phát triển bền vững khi nhà nước điều tiết những chính sách, công cụ nhằm điều tiết cung cầu như thuế, tín dụng, đất đai, tài chính… hoặc thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS dự báo, trong những tháng cuối năm 2022, nguồn cung bất động sản vẫn khan hiếm nhưng giá sẽ vẫn không tăng.
Do quỹ đất còn nhiều, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục hút các nhà đầu tư. Đồng thời bất động sản công nghiệp sẽ đón làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp quốc tế sang nhiều nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam; thị trường nhân công lao động, quỹ đất lớn kết hợp với hạ tầng giao thông liên tỉnh được Chính phủ rót vốn đầu tư sẽ tạo đà cho sự phát triển về bất động sản công nghiệp.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản bán lẻ, văn phòng, thương mại sẽ chịu áp lực tăng giá. Tỉ lệ lấp đầy ở mức cao, đặc biệt là các khu trung tâm thương mại được vận hành bởi các thương hiệu lớn như: Vincom, Lotte, AEON Mall, Central Group,...
Nhằm cải thiện thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, lãnh đạo của VARS đưa ra một số giải pháp như đẩy nhanh việc sửa luật cùng với công khai các thông tin.
Tinh thần Chỉ thị 13 của Thủ tướng cần được quán triệt và bám sát để thực hiện. Cần tăng cường các chính sách cấp bách (như Nghị định 65 cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp) để tháo gỡ những điểm nghẽn cho các dự án phát triển, có tính cấp thiết. Khẩn trương xây dựng giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường. Quan tâm, triển khai dự án nhà ở giá thấp để cân bằng và đáp ứng nhu cầu thực của xã hội.
"Thị trường bất động sản hiện nay không phải là tình trạng suy thoái, nó chỉ là cưỡng bức. Nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn, đầu tư công rất quyết liệt… Nguyên nhân thị trường ảm đạm là do vướng phải những rào cản pháp lý, dòng tiền yếu mà thôi. Theo tôi thị trường bất động sản đang sẵn sàng bùng nổ" – ông Đính nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các nhà đầu tư, nhất là chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở, đô thị không nên xây dựng chính sách giá, chính sách bán hàng có thể gây bất lợi cho thị trường khu vực, thị trường chung, nhất là các doanh nghiệp lớn, dự án lớn.