Những ngày qua, vụ chuyển nhượng chú chó giống H'Mông Cộc với giá 450 triệu đồng đang gây xôn xao dư luận.
Nhiều người cho rằng, giống chó này được nuôi khá phổ biến trong cộng đồng. Vụ chuyển nhượng chẳng qua chỉ là chiêu trò thổi giá tương tự như lan đột biến.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, vụ chuyển nhượng trên diễn ra tại TP. Việt Trì, Phú Thọ. Chủ cũ của chú chó là anh Lưu Đình Ánh (quê ở Hưng Yên). Người bỏ ra số tiền 450 triệu đồng để mua là anh Duy Bình (ở TP. Việt Trì, Phú Thọ).
Trao đổi với Dân trí, anh Lưu Đình Ánh cho hay, anh nuôi chú chó H'Mông Cộc này được 2 năm nay và đặt tên là Sói. Quá trình nuôi, anh đầu tư không ít công sức và tiền bạc.
Ngoài việc cho chó ăn các thức ăn ngon như thịt gà, thịt bò, hạt dinh dưỡng… anh còn mua thêm nhiều loại vitamin, thuốc bổ trong và ngoài nước tẩm bổ cho thú cưng.
Tính trung bình, chi phí một tháng hết khoảng 3 triệu đồng. Hàng ngày, chó được cho vận động, luyện tập thể dục để có sức khỏe.
"Gốc của loài chó này ở Hà Giang. Về cơ bản chúng rất dễ nuôi, ăn thức ăn đa dạng, đơn giản. Tuy nhiên, vì Sói là một con đực giống nên tôi chăm chút tỉ mỉ, cầu kỳ hơn", anh Ánh nói.
Lý giải về mức giá nhiều người cho là "trên trời" với một giống chó bản địa, anh Lưu Đình Ánh cho hay, để đánh giá một chú chó đẹp, người ta sẽ căn cứ vào bảng tiêu chuẩn dành cho chó H'Mông Cộc. Bảng tiêu chuẩn này do Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam đưa ra, tham khảo thêm tiêu chí từ nước ngoài.
Các tiêu chí bao gồm khung xương, đầu mặt, chất lông, bốn chân, tỷ lệ hộp sọ, hộp mõm, tỷ lệ chiều cao, chiều dài thân... Và với một chú chó đực, người ta còn chú trọng về khả năng di truyền cho hậu duệ những vẻ đẹp của mình.
Theo anh Ánh, thú cưng của mình đáp ứng được hầu hết các tiêu chí trên nên mới có giá đắt đỏ như vậy.
Người đàn ông Hưng Yên chia sẻ, chó H'Mông Cộc hiện nay được nuôi khá đại trà. 10 nhà thì có đến 2-3 nhà nuôi. Giá của giống chó này rất đa dạng từ 500 đến 1 triệu đồng, hoặc cao hơn, vài triệu hay vài chục triệu đồng cũng có.
Tuy nhiên, để có được mức giá như Sói thì phải là một con chó đặc biệt. Nó có yếu tố di truyền mạnh (có gen gốc, được sinh sản từ cặp bố mẹ chó bản ở Hà Giang) nên cho ra những con chó con rất đẹp.
"Cách đây khoảng 2 năm, những người yêu loài chó này cũng từng biết đến một vụ chuyển nhượng khác lên đến 680 triệu đồng. Ngoài ra, thi thoảng cũng có những chú chó được mua đi bán lại với giá 200-300 triệu đồng", người đàn ông này cho hay.
Nói về đặc tính của giống chó này, anh Ánh cho hay, chó H'Mông cộc rất trung thành, thông minh, trông nhà bảo vệ lãnh thổ tốt, sạch sẽ, không bị hôi như chó Tây. Ngoài ra, vì là chó bản địa nên nó rất gần gũi với con người.
PV Dân trí cũng đã liên hệ với người mua chú chó H'Mông Cộc 450 triệu đồng - anh Duy Bình (hiện đang sinh sống ở TP. Việt Trì, Phú Thọ). Anh Bình cho hay, bản thân anh đam mê nuôi chó từ khá lâu.
Trước đây, anh nuôi các dòng chó ngoại, sau này, anh chuyển hẳn sang nuôi chó H'Mông Cộc bởi đặc tính sạch sẽ và trung thành.
Về chú chó tên Sói của anh Ánh, anh Bình cho biết, mình biết đến chú chó này cách đây khoảng 6 tháng khi tham dự một hội thi chó H'Mông Cộc ở Hải Phòng.
Ngay tại cuộc thi, anh đã ấn tượng bởi vẻ hoàn hảo của chú chó. "Khung xương, đầu mặt, màu lông… của con Sói rất đẹp. Đặc biệt, nó rất thân thiện với con người. Ngay lập tức tôi ngỏ lời mua nó với mức giá 300 triệu đồng. Đó là một mức giá rất cao. Tuy nhiên, khi ấy anh Ánh từ chối không bán", anh Bình kể.
Đầu tháng 10, anh Bình tình cờ nhớ lại cuộc gặp đó và một lần nữa hỏi mua với giá cao hơn.
"Đúng lúc đó, anh Ánh có việc đột xuất gì đó nên đã đồng ý thương lượng. Sau khi thỏa thuận, chúng tôi đồng ý chuyển nhượng với giá 450 triệu đồng", anh Bình nói.
Hai bên sau đó đã đưa chú chó đi khám tổng thể, chụp chiếu và làm các xét nghiệm để đảm bảo Sói khỏe mạnh, giống tốt.
Trước thông tin cho rằng, vụ chuyển nhượng là chiêu trò thổi giá giống như lan đột biến, cả người bán và người mua đều phủ nhận những quan điểm này.
Anh Ánh cho rằng, đó chỉ là ý kiến của những người không nuôi chó, không hiểu được giá trị của giống chó H'Mông Cộc - một trong "tứ đại quốc khuyển" của Việt Nam.
Theo anh Ánh, trước đây, chi phí mỗi lần phối giống của Sói là khoảng 8 triệu đồng, các con chó con sinh ra rất đẹp và khỏe. Điều đó đủ để thấy chú chó này quý và được đánh giá cao thế nào.
Còn anh Bình thì nêu ý kiến: "Tôi cũng từng mất rất nhiều tỷ đồng vào lan đột biến rồi. Tuy nhiên, không thể ví loài chó này với lan đột biến được. Lan đột biến chỉ có giá trị ở bông hoa đẹp, còn con chó giá trị không chỉ ở vẻ đẹp hình thể của nó, mà còn quý về nguồn gen, về giá trị phối giống. Nếu có nguồn gen tốt thì nó sẽ cho ra những con chó con đẹp đúng với tiêu chí mà Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam đã đề ra".
Với chú chó có giá gần nửa tỷ đồng, anh Bình cho biết, dự định sẽ lên kế hoạch làm kinh tế, kinh doanh chó giống và hướng đến bảo tồn, phát triển giống gen quý của loài chó bản địa này.
Liên quan đến vụ chuyển nhượng đang gây xôn xao dư luận này, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về huấn luyện chó ở Hà Nội cho biết, con chó trong vụ chuyển nhượng là giống H'Mông Cộc.
Loài chó này hiện là một trong ba giống chó bản địa đang được yêu thích và phổ biến tại Việt Nam (ngoài chó Bắc Hà, chó Phú Quốc).
Nó sở hữu bộ lông màu đen - đang là màu được ưa chuộng thay vì màu đỏ như trước đây. Ngoài ra, nó cũng đã giành được giải ở cuộc thi, được công nhận về gen giống. Đó có thể là những lý do khiến nó có giá cao tới 450 triệu đồng.
Vị chuyên gia này cho hay, để đánh giá một con chó đắt hay rẻ người ta sẽ xem xét nhiều yếu tố: Dòng giống, có chiến thắng cuộc thi nào không, được công nhận về gen giống ra sao, chất lượng lấy giống, con cái ra đời có khỏe mạnh và đẹp không…. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng đây là một chiêu thổi giá.
Theo vị chuyên gia này, chó H'Mông Cộc có điểm ngoài đặc biệt là cụt đuôi. Thời gian gần đây, vì thấy giống chó này được giá, nhiều người thậm chí đã "hóa trang" những con chó thường thành H'Mông Cộc bằng cách phẫu thuật, cắt đuôi để bán kiếm lời.
Lý giải về việc nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sở hữu một con chó, vị chuyên gia cho rằng, một số ít mua về làm giống, còn chủ yếu người mua mua về để chơi.
"Đó hầu hết là những người có điều kiện, nếu trông chờ vào việc lấy giống làm kinh tế thì bao giờ mới có lãi?", vị này nêu quan điểm.