Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị như thế tại Hội nghị Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam, tổ chức ngày 18/10, tại TP.HCM.
Tai hội nghị, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam vẫn đang đối diện nỗi lo dư lượng.
Đơn giản như cọng hành lá dùng làm gia vị trong gói mì tôm cũng không dễ đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài.
Điều đáng lo là tư duy sản xuất, kinh doanh ở nhiều cá nhân, tổ chức vẫn còn đang nặng tính đối phó. "Nhiều người chưa thực sự ý thức làm chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến tới xuất khẩu", bà Hạnh nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho rằng, đang có sự bất hợp lý khi kêu gọi nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra. Nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường.
Thời gian gần đây và thậm chí là rất lâu trước kia, lại có những hành vi gian dối, đội lốt nhãn mác VietGAP để đưa hàng vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng.
Việc này gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính, gây mất lòng tin của người tiêu dùng và xã hội.
Trong vấn đề kiểm soát an toàn phẩm, đảm bảo minh bạch nguồn gốc thực phẩm hiện nay, bà Minh cho rằng cần đề cao vai trò của tất cả các đơn vị, thành phần trong xã hội cùng tham gia.
Kể cả trách nhiệm của thương lái cũng cần nâng cao vì họ cũng là thương nhân, là bộ phận rất quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam.
Người tiêu dùng là chốt chặn cuối cùng. Và các tổ chức xã hội như Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng phải hỗ trợ cung cấp kiến thức nhận diện an toàn thực phẩm và các mối nguy từ thực phẩm cho người dân.
Bên cạnh việc tiếp cận ý kiến đa chiều, nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý, tiến tới minh bạch nguồn gốc thực phẩm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập đến góc nhìn khác: Trách nhiệm của từng người với an toàn thực phẩm.
Trước hết, an toàn thực phẩm là vấn đề từng ngày, từng giờ. Quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" mới vào cuộc.
"Trách nhiệm với an toàn thực phẩm là hàng ngày, hàng giờ, đừng chờ tới tháng mới hành động", Bộ trưởng nói.
Việc khác nữa là cần cân bằng giữa tính răn đe của pháp lý và sự mềm dẻo của cái tình đối với các hành vi sai phạm với an toàn thực phẩm.
Theo Bộ trưởng, đôi khi thay vì xử phạt, loại trừ cá nhân nào đó có sai phạm; cách mà doanh nghiệp, nhà bán lẻ thuyết phục họ sửa sai có khi hiệu quả mang lại còn cao hơn.
An toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội và của từng người. Bởi vì, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu dồn hết gánh nặng pháp lý cho cơ quan nhà nước thì trách nhiệm của xã hội ở đâu, trách nhiệm của doanh nghiệp ở đâu. Nhất là với nông dân, thành phần chính trong nền nông nghiệp vẫn còn manh mún của Việt Nam. Tất cả phải cùng chung tay giúp xã hội thay đổi, giúp nông dân thay đổi cách sản xuất.
Cuối cùng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp không nên nghĩ đơn giản ở việc mua và bán, mà hướng đến việc tạo ra giá trị xung quanh nông sản. Doanh nghiệp nhìn nông dân là bà con sẽ khác với nhìn đối tác làm ăn qua thương vụ.
Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản