Khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bao gồm: Mức lương; Phụ cấp lương; Các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Tuy nhiên, thực tế việc doanh nghiệp đang chưa tuân thủ việc đóng BHXH theo nguyên tắc này. Gần như các doanh nghiệp mới chỉ đóng BHXH cho lao động trên nền tiền lương và một số các khoản phụ cấp chính.
Theo Quy định, hàng tháng, người lao động và người sử dụng lao động phải trích một phần quỹ lương để đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Doanh nghiệp đóng theo tỷ lệ 21,5% hoặc 21,3% quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động, người lao động đóng tổng cộng 10,5% tiền lương tháng đóng BHXH.
Ví dụ, tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng là 5.000.000 đồng/tháng thì mức trích đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động 525.000 đồng/tháng. Và doanh nghiệp phải đóng gần 1,2 triệu đồng.
Theo quy định, tiền lương đóng BHXH sẽ bao gồm các khoản: Mức lương; phụ cấp lương; các khoản bổ sung khác xác định được số tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Các khoản tiền này phải được thỏa thuận rõ và ghi nhận trong hợp đồng lao động để làm căn cứ trả lương và đóng BHXH cho người lao động.
Theo khoản 3 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, trường hợp tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì doanh nghiệp và người lao động và doanh nghiệp cũng chỉ đóng BHXH với mức tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương đương 28,9 triệu đồng/tháng.
Tuy vậy, nhiều khoản tiền sẽ không bị tính đóng BHXH như: thưởng căn cứ kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động; tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; các khoản hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, có người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp cho người gặp hoàn cảnh khó khăn…
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, công ty còn cố tình "lách luật" bằng cách tách bảng lương với các khoản phụ cấp, khoản thưởng để giảm mức đóng BHXH.
Do đó, việc người sử dụng lao động đóng BHXH thấp hơn lương thực tế trả cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo đóng đủ theo các khoản quy định thì không bị coi là trái luật.
Trường hợp đã thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cố tình khai thông tin không đúng quy định để đóng bảo hiểm với mức thấp thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định, khoản tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động sẽ được xác định dựa trên các khoản tiền mang tính chất cố định và ghi nhận trực tiếp trong hợp đồng lao động.
Khi tăng lương cơ sở thì nền tiền lương cũng tăng lên và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cũng tăng lên theo tỷ lệ phần trăm trên tổng lương, phụ cấp và các khoản bổ sung được nhận.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay Ủy ban xã hội) cho rằng đương nhiên tiền lương tăng lên thì mức đóng BHXH dựa trên tiền lương đó cũng tăng lên. Điều này có lợi cho lao động vì tiền đóng BHXH tăng lên thì chế độ BHXH, lương hưu sau này của lao động cũng tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, để nâng mức đóng BHXH lên thì ngoài việc tăng tiền lương cơ sở, tăng lương cơ bản, cần làm chặt khâu thanh tra, giám sát yêu cầu doanh nghiệp, chủ sử dụng đóng đúng, đóng đủ BHXH cho người lao động.