Tiền lương giữa công chức và viên chức khác nhau thế nào?

Minh Nguyệt Thứ tư, ngày 05/10/2022 10:07 AM (GMT+7)
Khái niệm công chức, viên chức được nhắc nhiều nhưng không phải ai cũng nắm được sự khác biệt giữa 2 chức danh, 2 công việc và cả mức lương của 2 đối tượng lao động này.
Bình luận 0

Tiền lương công chức có cao hơn viên chức?

Theo Luật Công chức, viên chức định nghĩa, Công chức là người làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở các cấp trung ương, tỉnh, huyện, quận, thị xã.

Ngoài ra, công chức còn là người làm việc trong các cơ quan, đơn vị của quân đội Nhân dân, Công an nhân dân và không phải trường hợp là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Còn viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc.

Tiền lương công chức và tiền lương viên chức có sự khác biệt gì? - Ảnh 1.

Nếu cải cách tiền lương được thực hiện theo hướng tăng lương công chức, viên chức thì việc trả lương sẽ được tính theo vị trí việc làm thay vì tính bằng hệ số như hiện nay. Ảnh: L.N

Về tiền lương, công chức được ngân sách nhà nước chi trả, còn tiền lương của viên chức thì được nhận từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Cách tính tiền lương công chức nay dựa vào hệ số áp dụng với từng đối tượng công chức khác nhau và đang được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2019/TT-BNV.

Cụ thể mức tiền lương = Mức lương cơ sở x hệ số lương hiện hưởng.

Trong đó: Mức lương cơ sở hiện nay đang được áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Mức này được dùng làm căn cứ để tính lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và hực hiện các chế độ khác; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí, các khoản trích và các chế độ khác.

Hệ số lương hiện hưởng được tính dựa trên vị trí việc làm. Mỗi công chức có một vị trí việc làm riêng và mỗi vị trí đó lại được Chính phủ áp dụng theo một hệ số lương riêng phù hợp với tính chất công việc của từng vị trí đó.

- Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 204/2004, hiện nay đang áp dụng các bảng lương tính theo hệ số và mức lương cơ sở cho các đối tượng thuộc các vị trí sau đây:

- Chuyên gia cao cấp; Cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước (bao gồm cả cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và công chức ở xã, phường, thị trấn);

 - Cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước

- Nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

- Cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

- Sĩ quan quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân.

- Quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân.

Như vậy, hiện nay, tiền lương công chức được tính dựa vào hệ số lương (cố định cho từng đối tượng) và mức lương cơ sở (thường sẽ có thay đổi theo từng năm).

Tiền lương của viên chức cũng được tính dựa trên hệ số như trên, nhưng lương của viên chức ở đơn vị sự nghiệp có thể được tăng thêm nếu đơn vị làm ăn doanh thu tốt. Ví dụ một doanh nghiệp sự nghiệp ngoài lương cơ bản, nếu làm ăn tốt, doanh thu cao đơn vị sự nghiệp cũng có thể trích thêm vào quỹ tiền lương trả cho lao động.

Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập đó là: Bệnh viện; trường học; các viện nghiên cứu, các tờ báo...  Đây là các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, trong đó chủ yếu là các cơ quan nhà nước.

Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về việc thực hiện các nhiệm vụ, tài chính, tổ chức về bộ máy, nhân sự, tuy nhiên cơ chế trả lương sẽ có khác biệt khi có cơ chế tích lũy quỹ lương tăng thêm.

Cải cách tiền lương, lương công chức, viên chức được tính thế nào?

Ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương với công chức. Tinh thần của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương tiến tới Nhà nước sẽ trả lương cho công chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thông qua việc xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

tiền lương công chức, viên chức

Tiền lương công chức, viên chức đang được tính bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số hiện hưởng. Ảnh: Ảnh: L.N

Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP trong năm 2021:

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Tinh thần là tiền lương của công chức sẽ được tính theo vị trí việc làm bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới gồm:

- Một bảng lương chức vụ với công chức giữ chức vụ lãnh đạo: Thể hiện được thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ nào thì hưởng lương của chức vụ đó; giữ nhiều chức vụ thì hưởng mức lương cao nhất; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới…

- Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức: Công việc cùng mức độ phức tạp thì lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn thì được phụ cấp theo nghề; bổ nhiệm vào ngạch công chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức...

Thay vì cách tính lương công chức như hiện nay, khi cải cách tiền lương được thực hiện, cách tính lương cũng sẽ có sự thay đổi. Theo đó, tiền lương sẽ được tính dựa trên số tiền cụ thể căn cứ vào vị trí việc làm của từng công chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem