Trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khái quát tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; các khu vực của nền kinh tế đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân chỉ tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi nêu bật những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế -xã hội, văn hóa, giáo dục, đối ngoại…Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, tập trung thảo luận, phân tích; chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và đúc kết những bài học có giá trị thực tiễn. Trên cơ sở đó xem xét, quyết định các quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển KTXH, tài chính, ngân sách, đầu tư công cho năm 2023, phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023.
Còn trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023.
Trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Trước đó, tại buổi họp báo trước kỳ họp Quốc hội (chiều 17/10), ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Chính phủ đang trình Quốc hội việc điều chỉnh mức lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, như vậy tăng khoảng 20,8%.
Đồng thời sẽ đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức lương thấp; tăng trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Việc điều chỉnh trên thực hiện từ 1/7/2023. Trong việc điều chỉnh này có điều chỉnh về tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở được thực hiện từ 1/1/2023.