Phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả
Anh Diệp Thế Đồng (tổ 3, phường An Tân, thị xã An Khê) là một trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND. Anh Đồng chia sẻ, năm 2020, gia đình anh triển khai mô hình chăn nuôi gà ta thương phẩm và gà Ai Cập siêu trứng. Mới khởi nghiệp nuôi gà, nên anh Đồng rất cần vốn để đầu tư vào xây dựng chuồng trại, mua giống, mua thức ăn cho đàn gà.
Trước khó khăn đó, Hội ND thị xã An Khê đã giải ngân cho anh vay 16 triệu đồng. Có tiền, anh Đồng kịp thời mua cám tổng hợp bổ sung vào nguồn thức ăn cho đàn gà. Hàng năm, anh cung ứng ra thị trường hơn 1.000 con gà thương phẩm và trên 120.000 quả trứng. Với giá bán 4.000 đồng/quả trứng và 100.000 đồng/kg gà thịt, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng.
"Thời gian tới, Hội tiếp tục ưu tiên nguồn vốn Quỹ HTND các cấp cho các chi hội, tổ hội vay phát triển sản xuất; phối hợp với các cơ quan liên quan tư vấn, hướng dẫn, giới thiệu sản phẩm và kết nối cung cầu cho các thành viên".
Bà Phan Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai
Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Chủ tịch Hội ND thị xã An Khê cho biết: Năm 2022, UBND thị xã An Khê hỗ trợ 500 triệu đồng cho Quỹ HTND, nâng tổng nguồn quỹ lên hơn 1,4 tỷ đồng. Số tiền này, Hội Nông dân thị xã đang cho các hộ vay triển khai 4 dự án: chăn nuôi bò sinh sản tại xã Thành An, trồng quất cảnh tại phường Tây Sơn, trồng măng tây tại phường An Phước và trồng hoa thương phẩm tại phường Ngô Mây.
Đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND xã, phường cũng đạt trên 1,1 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2022, các đơn vị đã xem xét, giải ngân cho 73 hộ vay với số tiền gần 640 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn vốn ủy thác từ Quỹ HTND tỉnh, trung ương là 1,9 tỷ đồng đã giúp thị xã triển khai 4 dự án: Chăn nuôi bò sinh sản, trồng vải thiều tại xã Tú An; trồng bưởi da xanh tại xã Cửu An và nuôi ốc bươu đen tại xã Xuân An.
Cùng với giúp các hộ nông dân phát triển kinh tế, các cấp Hội ND tỉnh Gia Lai gắn việc vay vốn Quỹ HTND với việc thành lập, xây dựng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp giúp nông dân liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập.
Điển hình như Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê xã Ia Boòng, huyện Chư Prông đã thu hút nhiều nông dân trên địa bàn xã tham gia, tạo ra hướng đi mới, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ông Rơ Châm Dung - Chủ tịch Hội ND xã Ia Boòng thông tin: Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê có 18 thành viên ở 6 thôn, làng. Mỗi tháng, tổ hội sinh hoạt định kỳ để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, trồng cỏ và liên kết tìm đầu ra sản phẩm. Hiện tại, tổng đàn dê của tổ hội đã lên gần 300 con.
Cũng theo Chủ tịch Hội ND xã Ia Boòng, đầu năm 2021, nguồn Quỹ HTND huyện đã giải ngân 200 triệu đồng cho 10 thành viên trong tổ hội đầu tư nuôi dê. Đến nay, các hộ đều sử dụng nguồn vốn vay mua dê giống, mở rộng chuồng trại. Ngoài ra, xã còn có Tổ hội chăn nuôi bò cũng hoạt động khá hiệu quả.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thành lập Tổ hội chăn nuôi heo trắng và Tổ hội trồng cây ăn quả. Hy vọng, những mô hình này sẽ giúp nông dân tự tin, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu chính đáng"- ông Dung nói.
Theo báo cáo của Hội ND tỉnh Gia Lai, đến nay, toàn tỉnh có 345 chi hội, tổ hội trồng trọt; 201 chi hội, tổ hội chăn nuôi; 14 chi hội nuôi trồng thủy sản và ngành nghề khác; 130 tổ hội trồng trọt kết hợp chăn nuôi với tổng cộng gần 11.000 thành viên. Các chi hội, tổ hội hoạt động theo phương thức "5 tự" và "5 cùng" (cùng chí hướng, cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng thụ hưởng).
Để hỗ trợ các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các cấp Hội ND đã tập trung khai thác nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Tính đến ngày 15/8, nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt hơn 47 tỷ đồng, đã thẩm định và giải ngân hơn 14,8 tỷ đồng cho 55 dự án với 565 hộ hội viên nông dân vay phát triển sản xuất, trong đó phần lớn là thành viên các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp.