Trồng chanh dây nhìn đâu cũng thấy trái, bán sang châu Âu, tỷ phú Gia Lai là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022

Hoàng Lộc Thứ sáu, ngày 30/09/2022 18:51 PM (GMT+7)
Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm - Giám đốc của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm (tỉnh Gia Lai) được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Chị được biết đến với việc trồng chanh dây, chế biến các sản phẩm từ chanh dây. Hiện, sản phẩm chanh dây quả tươi của chị đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Bình luận 0

Đưa chanh dây ra châu Âu

Thông qua sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), chúng tôi đến thăm HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm (ở thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) của chị Đỗ Thị Mỹ Thơm. Sau một hồi loay hoay với các đơn đặt hàng của khách, chị mới thời gian tiếp chuyện với chúng tôi.

Chị kể, sau khi tốt nghiệp THPT, chị ra TP.Đà Nẵng để học nghề may mặc. Sau khi học xong, chị trở lại Gia Lai để làm nghề may tại nhà. Được một vài năm sau, chị xin nghỉ để phụ giúp gia đình làm nương rẫy.

Trồng, chế biến chanh dây bán ra châu Âu, một người ở Gia Lai là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 1.

Chị Thơm hướng dẫn hộ dân quy trình trồng, chăm sóc chanh dây. Ảnh: H.L

"Thời điểm đó, tôi nhận thấy bố, mẹ quanh năm phải làm cà phê mà gặp cảnh được mùa mất giá. Cũng tình cờ, tôi được một người quen ở Lâm Đồng giới thiệu cây chanh dây. Từ đó, tôi nhanh chóng lên mạng internet tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc loài cây này. Sau đó, tôi mua 80 gốc chanh dây ở Lâm Đồng về trồng thử tại khu vực rẫy của gia đình. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, sau 5 tháng, vườn chanh dây của tôi đã cho thu hoạch", chị Thơm kể.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chị Thơm tiếp tục xuống 120 gốc chanh dây trồng xen cây phê, hồ tiêu với diện tích hơn 2 ha. Vườn chanh dây của chị được trồng và chăm sóc theo quy trình khép kín, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và làm giàn chắc chắn, đảm bảo cho cây phát triển tốt, cho quả to, đều.

Trồng, chế biến chanh dây bán ra châu Âu, một người ở Gia Lai là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 2.

Quả chanh dây tại huyện Mang Yang phát triển tốt, to và đều trái. Ảnh: H.L

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đầu ra thì bấp bênh, quả chanh dây còn mới lạ đối với nhiều người dân nên họ không mặn mà thu mua. Chị Thơm phải vận chuyển đi nhiều siêu thị, chợ đầu mối ở khắp các tỉnh thành để chào bán.

Sau nhiều năm loay hoay, đến năm 2011, chị Thơm tìm được mối mua chanh dây với giá 15 ngàn đồng đồng/kg ở chợ Thủ Đức (TP.HCM). Sau đó, thông qua các mối quan hệ, chị đã đưa được sản phẩm chanh dây ra các nước Châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ.

Trồng, chế biến chanh dây bán ra châu Âu, một người ở Gia Lai là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 3.

Chị Thơm kiểm tra lại chất lượng của quả chanh dây. Ảnh: CTV

Khi đầu ra thuận lợi, chị tiếp tục mở rộng diện tích hơn 3ha. Với diện tích lớn, vào những ngày mưa, chanh dây bị hư hại nhiều vì úng mưa khiến chị Thơm phải đau đầu tìm cách khắc phục. Lúc đó, chị đã vặt toàn bộ lá của cây trước những mùa mưa, làm cách này quả chanh vẫn tươi tốt, ít bị úng thối.

Năm 2017, chị Thơm đã thu về hàng tỷ đồng nhờ đưa sản phẩm chanh dây xuất khẩu thị trường Pháp và Thụy Sĩ. Lúc đấy, cơ sở chị có 7 khách hàng ở thị trường này đặt hàng nhưng mới chỉ đủ sản phẩm để cung cấp cho 4 khách hàng.

Phát triển sản phẩm từ chanh dây

CLIP: Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 chia sẻ về quá trình khởi nghiệp với cây chanh dây. Thực hiện: Hoàng Lộc

Đến năm 2019, chị Thơm quyết định thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm nhằm hiện thức hóa ý tưởng đầu tư chế biến, nâng cao giá trị của chanh dây. HTX do chị làm Giám đốc.

Để có vùng nguyên liệu, HTX đã ký hợp đồng liên kết với hơn 100 hộ dân và một số HTX ở các huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Chư Prông với tổng diện tích trên 100 ha. Ngoài ra, HTX còn ký hợp liên kết với các hộ dân trồng chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 30 ha tại huyện Mang Yang.

"Khi liên kết với HTX, người nông dân sẽ được cung cấp giống, hướng quy trình trồng, chăm sóc chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Chúng tôi yêu cầu bà con trồng cây chanh dây phải chuẩn yêu cầu thành phần kỹ thuật chăm sóc cây, kỹ thuật thu hoạch để bảo đảm sản phẩm có mẫu mã tốt, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu của thị trường châu Âu. Bù lại, HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho họ với giá cao gấp 2-3 lần so với thị trường", chị Thơm chia sẻ.

Trồng, chế biến chanh dây bán ra châu Âu, một người ở Gia Lai là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 5.

Chanh dây quả được đóng gói cẩn thận trước khi đem ra thị trường. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Long Quân (trú tại thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) – một trong những hộ dân liên kết vớ HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm chia sẻ: "Tôi bắt đầu trồng chanh dây từ năm 2010. Trong giai đoạn 2010-2018, vườn chanh dây của gia đình năng suất kém cộng thêm việc giá thu mua không được như mong muốn.

Tình cờ vào năm 2019, tôi được giới thiệu tham gia liên kết với HTX của chị Thơm. Khi tham gia, tôi được cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Sau một thời gian, vườn chanh dây phát triển tốt và quả sai trái. Không những thế, tôi được HTX bao tiêu với giá cao nữa. Với 2.000 gốc chanh dây, gia đình thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm".

Trồng, chế biến chanh dây bán ra châu Âu, một người ở Gia Lai là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 6.

Trồng, chế biến chanh dây bán ra châu Âu, một người ở Gia Lai là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 7.

Các sản phẩm từ chanh dây của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm được sản xuất theo một quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: H.L

Chị Thơm cho biết, mỗi ngày, HTX xuất khẩu hơn 1 tấn quả chanh dây sang 2 nước châu Âu là Pháp và Thụy Sĩ với giá bán khoảng 100 ngàn đồng/kg. Việc xuất khẩu của HTX chủ yếu là ủy thác qua một doanh nghiệp để làm các thủ tục khai hải quan.

Ngoài ra, HTX còn sản xuất một số sản phẩm từ chanh dây như chanh dây tươi, ruột chanh dây đông lạnh, nước cốt chanh đây, mứt chanh dây sấy dẻo,bột chanh dây, trà Detox chanh dây sấy giòn, tinh dầu chanh dây…Trong đó, có 4 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận 3 sao, 4 sao OCOP cấp tỉnh và được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí thì HTX thu về lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng.

Trồng, chế biến chanh dây bán ra châu Âu, một người ở Gia Lai là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 8.

Hiện, có 4 sản phẩm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: H.L

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mang Yang cho biết: "Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm là một trong nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã và huyện. Chị không ngừng tìm tòi, chủ động tiếp cận khoa học, công nghệ để đổi mới sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm.

HTX của chị đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho cho 40 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, HTX cũng hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh dây cho 14 hộ nghèo trên địa bàn huyện để họ phát triển, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống".

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhất cả nước được Hội đồng Chung khảo Trung ương Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022); kỷ niệm 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam (2013-2022).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem