Dân Việt

7,3% dân số Việt bị đái tháo đường, dự phòng mắc bệnh không khó

Diệu Linh 23/10/2022 06:33 GMT+7
Tỷ lệ đái tháo đường của người dân Việt đang gia tăng nhanh, trong đó quá nửa còn chưa được chẩn đoán và điều trị. Nếu không điều chỉnh lối sống thì gánh nặng y tế trong tương lai là rất lớn.

Bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh

GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết, tỷ lệ người dân Việt Nam mắc đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Theo các nghiên cứu cách đây 20 năm thì tỷ lệ mắc đái tháo đường của người dân ở Hà Nội là 1,4%, ở TP.HCM là 2,5%.

Đến năm 2012, kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7% dân số, trong đó khoảng 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán.

Còn điều tra năm 2020, tỷ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3% dân số. Có nhiều người dân không hề biết mình bị đái tháo đường. Có khoảng 50% người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán. Thậm chí chỉ có chưa đến 30% trong số người đã được chẩn đoán đái tháo đường được điều trị.

7,3% dân số Việt mắc đái tháo đường, dự phòng mắc bệnh không khó - Ảnh 1.

Người dân nên đi khám sức khỏe, chẩn đoán đái tháo đường sớm để được điều trị nếu mắc bệnh (Ảnh minh họa Pixabay)

Bệnh đái tháo đường là một trong những căn bệnh không lây nhiễm đang gia tăng hiện nay ở Việt Nam. Theo ước tính, các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn) đang chiếm tới 77% nguyên nhân gây tử vong hiện nay.

Hội nghị khoa học về bệnh Nội tiết, Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần XI, năm 2022 diễn ra từ ngày 22-23/10, có sự tham dự của hơn 1100 đại biểu đến trong và ngoài nước.

Các chuyên gia y tế trình bày 150 bài tổng quan và đề tài nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan đến bệnh đái tháo đường hiện nay.

GS Dàng nhấn mạnh, bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi và thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.

Cần dự phòng đái tháo đường từ sớm

Nghiên cứu khoa học Điều tra tỷ lệ đái tháo đường, tiền đái tháo đường và một số yếu tố liên quan tại Việt Nam năm 2022 của TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương trên gần 4.500 người tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ đái tháo đường toàn quốc là 7,3% và có hơn 62,6% người đái tháo đường không được chẩn đoán.

Trong đó, nhóm lao động nhẹ, người béo phì, người có huyết áp cao có tỷ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường cao hơn nhóm người lao động nặng, cân nặng vừa phải và không có huyết áp cao.

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến nguy cơ mắc đái tháo đường như nam giới, vòng eo to, tỷ lệ eo/hông cao; tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường, tiền sử đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ sinh con trên 4kg...

Người có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc đái tháo đường càng gia tăng. Nghiên cứu này cũng dự báo đến năm 2025, tỷ lệ đái tháo đường ở Việt Nam ước tính là 8,7% dân số (tương đương khoảng 4,2 triệu người).

Đáng nói, theo nghiên cứu này, tỷ lệ tiền đái tháo đường toàn quốc lên đến 17,8%. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người mắc tiền đái tháo đường cần phải có chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp để đưa sức khỏe về mức an toàn, tránh phát triển thành bệnh đái tháo đường.

7,3% dân số Việt mắc đái tháo đường, dự phòng mắc bệnh không khó - Ảnh 3.

Người dân có càng nhiều các yếu tố nguy cơ càng dễ mắc đái tháo đường (Khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Nội. Ảnh BVCC)

TS, bác sĩ Ngô Thị Phượng, khoa Nội tiết (A14), Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa người bình thường và người mắc đái tháo đường típ 2. Theo một số tác giả, khoảng 5-10% người tiền đái tháo đường sẽ trở thành đái tháo đường hàng năm và tổng cộng 70% người tiền đái tháo đường sẽ thành đái tháo đường thực sự.

Người tiền đái tháo đường nên ăn: Thực phẩm có nhiều chất xơ (rau củ, trái cây), đạm có nguồn gốc thực vật; trái cây nguyên quả; các loại gia vị ít muối và ít đường; chế biến (luộc, hấp); chia thành nhiều bữa trong ngày và nên có các bữa phụ; ăn đúng bữa chính, không bỏ bữa; đa dạng hóa thực phẩm trong ngày và trong từng bữa ăn.

Người tiền đái tháo đường không nên ăn: Chất béo, đồ ngọt, bia rượu; nước ép hoa quả; chế biến: nướng, chiên, rán; ăn cố khi thấy thức ăn còn thừa; bỏ bữa hoặc ăn trễ; lặp lại cùng một thực đơn từ ngày này sang ngày khác.

Người tiền đái tháo đường nên duy trì chế độ tập thể dục giúp cải thiện tuần hoàn, huyết áp, bên cạnh đó còn giúp giảm cân, loại bỏ stress, trở nên năng động và mạnh khỏe hơn. Một số bài tập phù hợp như: đi bộ, bơi lội, yoga, đạp xe, aerobic..

"Đặc biệt người tiền đái tháo đường cần từ bỏ những thói quen có hại như hút, lạm dụng bia rượu. Những điều này sẽ giúp họ cải thiện đường máu, huyết áp, ngăn ngừa đái tháo đường phát triển, đột quỵ não, rối loạn mỡ máu, gout…", TS Phượng nhấn mạnh.