Từ hơn một thập kỷ trước, các nước tiên tiến trên thế giới đã nhận ra rằng, sức khỏe răng miệng là một phần không thể tách rời để xây dựng sức khỏe toàn thân, từ đó kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh (lớn tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và không cần chăm sóc y tế).
Đặc biệt, ở một đất nước mà tuổi thọ thuộc dạng cao nhất thế giới như Nhật Bản, chính phủ đã coi đây là một trong những vấn đề quan trọng để nâng cao sức khỏe cộng đồng. Từ khoảng 20 năm trước, họ đã phát động "phong trào 8020" nhằm khuyến khích người dân chăm sóc răng miệng thật tốt để "đến 80 tuổi vẫn còn trên 20 răng tự nhiên" như là một chỉ số quan trọng về chăm sóc sức khỏe.
Tại Việt Nam, hơn 90% dân số đang bị các vấn đề về răng miệng. Điều này cũng phản ánh rằng sức khỏe răng miệng vẫn chưa được quan tâm và nhận thức đầy đủ. Hơn nữa, khi mức sống của người Việt Nam ngày càng được tốt hơn, tuổi thọ trung bình cũng ngày càng cao, thì khi lớn tuổi sẽ tạo một gánh nặng cho nền y tế và cộng đồng nếu nhu cầu chăm sóc y tế cho người lớn tuổi tăng lên và kéo dài nếu không có phương án dự phòng và tăng cường sức khoẻ răng miệng nói riêng và sức khoẻ toàn thân nói chung từ giai đoạn còn sớm.
Là kết quả đúc kết của TS.BS Lâm Đại Phong sau nhiều năm học tập và nghiên cứu về nha khoa tại Nhật Bản cũng như với các giáo sư đầu ngành trên thế giới, cuốn sách "Liệu pháp lợi khuẩn – Xu hướng chăm sóc sức khỏe của thế kỷ 21" sẽ giúp người đọc có một cái nhìn tổng quát và dễ hiểu về kiến thức nha khoa cơ bản, về mối quan hệ sâu sắc giữa sức khỏe răng miệng với sức khỏe toàn thân.
Đặc biệt, hướng chăm sóc và hỗ trợ điều trị sức khỏe răng miệng bằng "liệu pháp lợi khuẩn" đang rất được quan tâm (dùng lợi khuẩn để ức chế hại khuẩn, giữ cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn trong miệng, từ đó góp phần giúp răng miệng khỏe mạnh một cách tự nhiên và bền vững).
Cuốn sách được viết và trình bày đơn giản, cùng nhiều hình ảnh minh họa giúp tất cả độc giả (kể cả những độc giả chưa tìm hiểu về lĩnh vực nha khoa) dễ dàng đọc và hiểu.
"Liệu pháp lợi khuẩn – Xu hướng chăm sóc sức khỏe của thế kỷ 21" do Nhà xuất bản Dân trí in và nộp lưu chiểu năm 2022, tác giả là TS.BS Lâm Đại Phong, người hiệu đính - Trần Hoàng Sơn.