Từ đầu năm 2022, các chuyên gia nhận định, dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản có xu hướng dịch chuyển từ Nam ra Bắc và khu vực miền Trung. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, dòng tiền đang có xu hướng quay ngược trở lại. Bởi thực tế cho thấy, thị trường bất động sản phía Nam, đặc biệt là tại TP.HCM đang chứng kiến lượng quan tâm tăng mạnh hơn so với nhiều tỉnh phía Bắc trong nhiều tháng vừa qua.
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, nhiều tỉnh thành phía Nam nhận được mức độ quan tâm gia tăng từ phía các nhà đầu tư. Trong đó, Bình Thuận với mức tăng 58%; Bà Rịa - Vũng Tàu 44%. Đây là những con số ấn tượng phản ánh sức hấp dẫn của thị trường bất động sản phía Nam ở thời điểm hiện tại cũng như giai đoạn sắp tới.
Các chuyên gia nhận định miền Nam là thị trường bất động sản lớn nhất cả nước, hơn thế, còn là một thị trường khá đồng đều. Nếu như ở miền Bắc, Hà Nội chiếm tỷ trọng áp đảo so với các tỉnh thành khác thì tại miền Nam, quy mô của các thị trường Đồng Nai, Bình Dương, Long An… đều đạt tới mức quá nửa, thậm chí một số phân khúc xấp xỉ TP. HCM. Điều đó đã tạo ra một thị trường rộng lớn, với vô số cơ hội đầu tư, thỏa mãn gần như tối đa các nhu cầu tìm kiếm, tạo lập, nắm giữ, kinh doanh và giao dịch bất động sản.
Thị trường bất động sản toàn miền Nam "nóng bỏng" là hiện tượng cũng được ghi nhận, phản ánh trong nửa năm đầu 2022, nổi bật nhất là các thị trường Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận…Trong giai đoạn 2019 - 2021, khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trầm lắng, mức giá bán tại các thị trường đi ngang, thì Bình Thuận vẫn tăng trưởng mạnh mẽ (khoảng 18%/năm). Tương tự, giá phân khúc biệt thự biển ghi nhận tăng đều trong 3 năm liên tiếp, trung bình khoảng 14%/năm. Bất động sản Bình Thuận được nhận định sẽ tiếp tục bùng nổ khi sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông có tác động như một "liều thuốc" kích thích cho thị trường này không ngừng cất cánh.
Ngoài ra, sự nóng lên của bất động sản phía Nam đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư miền Bắc. Theo các chuyên gia, đây không phải là một hiện tượng mới mà là một vấn đề mang tính lịch sử, một xu hướng có tính bền vững. Nguyên nhân là miền Nam có nền kinh tế sôi động, lại là điểm đến ưa thích của dòng vốn FDI tạo ra nhu cầu lớn đối với bất động sản. Điều này dẫn đến hoạt động khai thác, cho thuê bất động sản tại miền Nam dễ dàng hơn, đạt tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, thậm chí có thể gấp 1,5 – 2 lần miền Bắc.
Lý giải xu hướng nhà đầu tư bất động sản "Nam tiến", ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, trước đây phần lớn nhà đầu tư bất động sản ở miền Nam đến từ miền Bắc, nhưng trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, họ đã rút tiền về đầu tư vào các khu vực lân cận, khiến cho sự quan tâm đối với bất động sản phía Bắc tăng khá mạnh. Khi lượng quan tâm tăng, bất động sản miền Bắc bị đẩy mặt bằng giá lên cao, dòng tiền của nhà đầu tư sau đó lại tìm đến những khu vực có mặt bằng giá ổn định hơn và phía Nam đang là khu vực được giới đầu tư quan tâm mạnh.
"Kinh tế khu vực phía Nam vốn là đầu tàu cả nước, kinh tế bền vững giúp cho thu nhập của người dân tăng lên và khả năng chi trả cho mặt hàng bất động sản tốt hơn; đồng thời, mặt bằng giá bất động sản tại đây nhìn chung duy trì ở mức ổn định; hơn nữa, sau đại dịch Covid-19, kinh tế khu vực phía Nam ngày càng phục hồi, đặc biệt là các khu công nghiệp với lượng lớn người lao động quay trở lại làm việc, thúc đẩy mạnh nhu cầu về bất động sản", ông Quốc Anh nhận định.
Ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản đang chứng kiến nhiều xu hướng dịch chuyển dòng tiền đầu tư, trong đó "đánh bắt xa bờ" tại những thị trường tiềm năng ở khu vực phía Nam đang trở thành xu hướng chủ đạo.
"Sự cộng hưởng của các dự án quy mô đẳng cấp do các nhà đầu tư uy tín phát triển trong vài năm trở lại đây cùng sự quan tâm đặc biệt và xu hướng thay đổi điểm đến đầu tư từ miền Bắc đã làm thị trường bất động sản khu vực phía Nam nóng lên từng ngày. Nổi bật như Bình Thuận hay Bà Rịa - Vũng Tàu - những địa phương đang có nhiều lợi thế về thiên nhiên khí hậu, cơ sở hạ tầng phát triển", ông Toan nhận định.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, ở thị trường phía Nam, vùng lõi trung tâm TP.HCM với bán kính 30km vẫn là khu vực có sức hút lớn nhất. Ngoài ra, các nhà đầu tư, đầu cơ còn có xu hướng đổ tiền vào những "khu vực động lực". Đó là những khu đô thị hóa, công nghiệp hóa, những thị trường có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ hay khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.