Theo bản tin của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong 9 tháng năm 2022, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp có xu hướng tăng giảm đan xen do ảnh hưởng của giá thế giới tăng liên tiếp, nguồn cung thế giới giảm do hạn hán và chính sách xuất khẩu.
So với thời điểm cuối năm 2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng 10 – 29%, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng 8,4 – 9,5%. So với cùng kỳ năm 2021, tính bình quân trong 9 tháng năm 2022, giá ngô hạt đạt 8.842 đồng/kg (tăng 15,2%); khô dầu đậu tương 14.460,5 đồng/kg (tăng 12,4%); cám gạo chiết ly 5.954 đồng/kg (tăng 19,4%); DDGS 10.083 đồng/kg (tăng 14,8%).
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chi hơn 3,6 tỷ USD để nhập gần 9 triệu tấn ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 10/2022 ước đạt 160.000 tấn với giá trị đạt 109,5 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 10 tháng năm 2022 đạt 1,56 triệu tấn và 1,08 tỷ USD.
Brazil, Mỹ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 với 99,4% thị phần.
Khối lượng ngô nhập khẩu tháng 10 năm 2022 đạt 700.000 tấn với giá trị đạt 228,3 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 10 tháng năm 2022 đạt 7,37 triệu tấn và 2,6 tỷ USD, giảm 13,1% về khối lượng nhưng tăng 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MVX), với những diễn biến trên thị trường thế giới hiện nay, giá nông sản, trong đó có giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ còn biến động trong quý IV. Hiện tại, các mặt hàng đều đang ở mức cao sau những đợt tăng liên tiếp trong 2 năm qua.
Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, việc chờ đợi và kỳ vọng vào xu hướng giảm mạnh vào cuối năm sẽ rất rủi ro, thay vào đó, các doanh nghiệp chăn nuôi nên tận dụng thời điểm giá điều chỉnh ngắn trong các đợt biến động tăng giảm mua hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, việc phát triển các vùng nguyên liệu trong nước để chủ động một phần là rất quan trọng.
GS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho biết việc tiếp thu công nghệ mới là một trong các giải pháp để nâng cao năng suất và sản lượng ngô; góp phần thúc đẩy sản xuất và giảm áp lực nhập khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa giúp hoạt động chăn nuôi trong nước chủ động hơn.
Trên thực tế, việc đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất sau khảo nghiệm còn nhiều khó khăn. Công tác nghiên cứu, giám định cây trồng, sản phẩm biến đổi gen và đánh giá an toàn sinh học ngoài đồng ruộng cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Trong khi đó, để đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất, nông dân, HTX cần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng như chuyển đổi khung thời vụ phù hợp. Bên cạnh đó, cần có cái nhìn cởi mở phù hợp để công tác cấp phép các loại giống được thuận lợi, thay vì rườm rà và chưa nhất quán như hiện nay.
Theo nghiên cứu của các ngành chức năng, trồng ngô biến đổi gen có khả năng chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 16-30%. Lợi nhuận canh tác có được từ việc trồng các giống ngô này cũng tăng với mức từ 4,5 - 7,6 triệu đồng/ha. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi canh tác ngô biến đổi gen giảm đáng kể, với thuốc từ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%.
Tuy nhiên, giá thành hạt giống ngô biến đổi gen cao và chưa được bán phổ biến có lẽ là trở ngại để người dân, HTX mở rộng áp dụng loại cây trồng này.
Bên cạnh cây ngô chuyển gen được thương mại hoá vào năm 2015, đến tháng 2/2020, Bộ NNPTNT đã đưa ra danh mục thực vật biến đổi gen được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam gồm: đậu tương (13 giống), ngô (17 giống); củ cải đường (1), cải dầu (4), bông (2), cỏ linh lăng (2). Như vậy, Việt Nam đã gia tăng không ngừng các giống cây trồng biến đổi gen sau năm 2015.
Tuy nhiên, trước thực trạng bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, các chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh phát triển cây trồng biến đổi gen nói chung, ngô biến đổi gen nói riêng sẽ từng bước giúp tăng năng suất cây trồng, hạ giá thành sản phẩm. Và về dài lâu, có thể giúp ngành chăn nuôi Việt Nam bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Một trong các giải pháp cần thiết là khuyến khích đẩy nhanh tốc độ đăng ký và giới thiệu các giống cây trồng mới, trong đó có các giống cây trồng biến đổi gen để giúp nông dân, HTX có đủ công cụ, thích ứng tốt hơn với điều kiện canh tác ngày càng khắc nghiệt, cải thiện năng suất và thu nhập…