Nhắc đến chùa Bà Đanh, nhiều người tưởng rằng đó chỉ là một câu nói lưu truyền trong dân gian, nhưng ít ai biết rằng, chùa Bà Đanh là một địa danh hoàn toàn có thật. Chùa tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Chùa Bà Đanh hay còn gọi "Bảo Sơn Nữ" có diện tích khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất miền Bắc. Khuôn viên chùa là một quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ thờ Phật, thờ Tứ pháp và thờ tín ngưỡng dân gian Tứ phủ.
Các kiến trúc của chùa từ tam quan, hành lang, nhà bái đường đến thượng điện đều được xây đăng đối theo một trục chính ở giữa và độ cao được nâng dần lên từ ngoài vào trong, điểm chốt cuối cùng là nhà thượng điện.
Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy rõ phong cách xây dựng cổ truyền theo kiến trúc Bắc Bộ xưa. Các đề tài chạm khắc trên các kèo thường tính từ đông sang tây, với các hình mẫu chủ yếu là sự kết hợp hài hoà của động vật với thực vật trong đời sống con người. Qua đó, ta thấy được sự tinh tế của người xưa khi diễn tả sự hòa nhập của đất trời, của thiên nhiên và cuộc sống để tạo nên sự hòa hợp tổng thể của ngôi chùa.
Có nhiều cách lý giải về sự ra đời của câu nói "vắng như chùa Bà Đanh" nhưng theo ý kiến của nhiều người, chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, xưa kia thường có thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt. Đó cũng là cách người xưa thường chọn nơi tu tập để giữ được sự thanh tịnh, yên tĩnh cho ngôi chùa.
Tương truyền rằng chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII. Sau nhiều lần tôn tạo, tu bổ, năm 1994 chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) cấp bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.